APFCO: Giá vốn leo thang, doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn lớn nhất Việt Nam báo lãi "còi"

(Banker.vn) Giá vốn tăng cao khiến Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) – doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn lớn nhất Việt Nam báo lợi nhuận quý 3/2024 giảm 91%, dù doanh thu tăng 39% so với cùng kỳ.

Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO, UPCoM: APF) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Giá vốn leo thang, doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn lớn nhất Việt Nam báo lợi nhuận giảm sâu
Hình minh họa.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2024 vừa công bố, APFCO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.405 tỷ đồng, tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng nhanh hơn mức tăng doanh thu đã làm biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp từ 9% xuống còn 6%, dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn 90 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 8% đạt 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chi phí tài chính lại tăng mạnh tới 63% lên 24 tỷ đồng, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 52% và 15%, lên mức 60 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.

Do các khoản chi phí tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế của APF trong quý 3 chỉ đạt chưa đầy 3 tỷ đồng, giảm tới 91% so với cùng kỳ năm trước. Công ty không ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, do đó lợi nhuận sau thuế cũng bằng với lợi nhuận trước thuế, chỉ đạt gần 3 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, APF đạt doanh thu thuần 5.374 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 134 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, APF đã hoàn thành 80% chỉ tiêu doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, với mục tiêu cả năm là 6.700 tỷ đồng doanh thu và 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo giải trình từ Công ty, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do cạnh tranh gay gắt, trong khi giá bán liên tục giảm. Điều này đã khiến chi phí giá vốn trên mỗi sản phẩm tăng và biên lợi nhuận gộp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 6%. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 3/2024 giảm mạnh 91%.

Tính đến ngày 30/9/2024, quy mô tổng tài sản của APF đạt 2.788 tỷ đồng, giảm 380 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt chỉ còn 101 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 484 tỷ đồng và hàng tồn kho ghi nhận 637 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của APF giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu năm, còn 1.540 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính đạt 1.392 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.120 tỷ đồng, tăng nhẹ 12 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 388 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APF đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh. Thị giá cổ phiếu giao dịch tính đến thời điểm 13h40 phiên giao dịch ngày 28/10 quanh mốc 55.300 đồng/cp, giảm khoảng 11% so với đỉnh lịch sử hồi đầu tháng 7. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng 18%.

Động lực giúp Long Hậu vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024 sau 9 tháng kinh doanh

Trong quý III/2024, Công ty CP Long Hậu ghi nhận doanh thu đạt 90,7 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, với lợi nhuận ...

Lợi nhuận doanh nghiệp hóa chất phân hóa: Doanh nghiệp nhỏ bùng nổ, "ông lớn" hụt hơi

Ngành hóa chất quý III/2024 chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ khi các doanh nghiệp nhỏ như Hóa chất Cơ bản Miền Nam và ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục