Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn

(Banker.vn) Tỷ giá tăng nhẹ thời gian gần đây được cho là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa điều chỉnh lãi suất USD và giá vàng trong nước luôn “neo” cao hơn giá vàng quốc tế…

Khó neo mức cao

Sau khi tăng nhẹ, giá USD đã nhanh chóng hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ngày 13/3 ở mức 23.957 đồng, tăng 2 đồng so với ngày 12/3. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD đồng loạt đi ngang, Vietcombank giữ nguyên giá mua 24.430 đồng, bán ra 24.800 đồng; Eximbank duy trì giá mua 24.410 đồng, bán ra 24.800 đồng... Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm mạnh còn 25.300 - 25.500 đồng.

Giá USD trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức thấp khi chỉ số USD-Index xoay quanh 102,49 điểm, không thay đổi nhiều gần đây. Đáng chú ý, theo báo cáo mới được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 12/3, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, phù hợp với các dự báo. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,2%, cao hơn dự báo 3,1% của các chuyên gia và cũng vượt qua mức 3,1% của tháng đầu năm nay.

Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn
Hình minh họa

Mặc dù lạm phát Mỹ đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào giữa năm 2022, nhưng vẫn đang ở mức cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed. Do vậy, những tuần gần đây, các quan chức Fed dự báo sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng cũng thể hiện sự thận trọng về việc đảo chiều chính sách quá sớm nếu lạm phát chưa hạ nhiệt. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ diễn ra vào giữa tuần tới...

Một trong những nguyên nhân kéo tỷ giá giảm, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, là động thái hút tiền về của NHNN, với hơn 30.000 tỷ đồng trong 2 ngày (11 và 12/3) qua tín phiếu. Động thái hút ròng này chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Đặc biệt, giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm, thậm chí còn âm.

Lãnh đạo NHNN thông tin, tín dụng đến hết tháng 2 giảm khoảng 1%, huy động vốn ước giảm khoảng 0,7%. Do đó, theo đánh giá của TS. Lực, động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD để giảm áp lực tỷ giá.

Theo cuộc họp mới nhất của Fed, lãi suất sẽ chưa giảm ít nhất là cho đến hết nửa đầu năm nay. Việc Fed duy trì lãi suất cao mà lãi suất của Việt Nam quá thấp sẽ gây áp lực đến tỷ giá. Bằng chứng là tỷ giá thời gian qua đã có những biến động, từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 1,5%, thậm chí có thời điểm cao hơn.

Hạn chế đầu cơ

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc phát hành tín phiếu, hút bớt thanh khoản trên thị trường 2 làm tăng lãi suất VND, giảm áp lực đầu cơ USD trong ngắn hạn, vì lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của VND, tăng hấp dẫn của nắm giữ USD. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá thường trực, lãi suất liên ngân hàng được nhận định sẽ khó giảm trở lại mức thấp như giai đoạn cuối tháng 1/2024, thậm chí chịu áp lực tăng khi NHNN đã gọi thầu tín phiếu NHNN.

Các nhà phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) duy trì quan điểm rằng, việc phát hành tín phiếu của NHNN sẽ không gây ra những cú sốc, hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thay vào đó, biện pháp này được kỳ vọng sẽ phần nào giảm thiếu áp lực tỷ giá vốn luôn thường trực trong thời gian gần đây, khi VND đã giảm giá 1,6% so với USD từ đầu năm.

Ông Jang Young Jin, Giám đốc Bộ phận Nguồn vốn và Giao dịch toàn cầu, Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh vào đầu năm do các yếu tố liên quan đến dịp Tết Nguyên đán, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện và nhiều mặt hàng đầu vào của sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến yếu tố mùa vụ sẽ được giải quyết và việc ổn định giá cả vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu, Chính phủ cũng đang nỗ lực bình ổn giá.

Hơn nữa, theo ông Jang Young Jin, việc NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt và duy trì sự ổn định của VND là một trong những nỗ lực của Chính phủ, nhằm tránh gây áp lực về giá cho các doanh nghiệp nhập khẩu và ảnh hưởng đến lạm phát trong nước. Vì vậy, Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự báo, lạm phát trung bình cho cả năm 2024 sẽ duy trì ở mức khoảng 4%, nằm trong mục tiêu đề ra.

Các chuyên gia Ngân hàng UOB cho rằng, USD/VND đã giao dịch lên mức cao mới 24.700 đồng/USD vào cuối tháng 2/2024 cùng với sự mạnh lên đáng kể của USD so với các đồng tiền châu Á. Bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của VND, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0% so với 5,05% vào năm 2023) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định VND.

Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, sự phục hồi tiếp theo của nhân dân tệ - VND thường có cùng xu hướng - cùng với sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 6/2024 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VND.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán