Áp lực tỷ giá hiện hữu nhưng kỳ vọng không kéo dài

(Banker.vn) Các chuyên gia cho rằng, diễn biến tăng của USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022.

Rủi ro tỷ giá không quá lớn

So với cuối năm 2022, tính tới ngày 30/8/2023, đồng VND giảm 2,2% so với đồng USD. Không chỉ tiền đồng, nhiều đồng tiền khác trên thế giới vẫn duy trì diễn biến giảm so với đồng USD trong tháng 8 này; trong đó, đồng Yên của Nhật Bản là đồng tiền có mức mất giá lớn nhất 10,1% so với đầu năm. Ngược lại, đồng Bảng Anh vẫn đang lên giá mạnh (+4,7%).

screen-shot-2023-09-06-at-11.08.32-am.png
Nguồn: BVSC

Trong báo cáo vĩ mô tháng 8 mới công bố, các chuyên gia phân tích tại BVSC cho rằng, lạm phát thế giới, đặc biệt là giá nhóm thực phẩm có dấu hiệu tăng trở lại, khiến lo ngại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, thậm chí có thể thực hiện thêm 1 lần tăng lãi suất từ nay tới cuối năm.

Điều này đã khiến cho chỉ số DXY tiếp tục có diễn biến tăng (tăng thêm 1,74% so với cuối tháng trước và đang ở vùng đỉnh 5 tháng). Dù vậy, với việc FED đã có kế hoạch hạ lãi suất trong năm 2024, các chuyên gia cho rằng, diễn biến tăng của USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022.

screen-shot-2023-09-06-at-11.08.42-am.png
Nguồn: BVSC

“Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có phẩn ngược lại với các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là FED, nên có thể khiến đồng VND ở một số thời điểm có diễn biến giảm nhanh. Nhưng với áp lực từ đồng USD không lớn như năm 2022, chúng tôi đánh giá rủi ro với tỷ giá sẽ không mạnh như giai đoạn cuối năm ngoái”, chuyên gia BVSC nhận định.

Việc giảm giá của đồng VND thậm chí được đánh giá có thể còn hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa trong các tháng còn lại của năm.

Không còn nhiều dư địa giảm lãi suất điều hành

Trong tháng 8/2023, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 6,08%, đã giảm trở lại 10 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 92 bps so với trung bình hồi tháng 7 và giảm tới 235 bps so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

screen-shot-2023-09-06-at-11.09.23-am.png

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra rất chậm. Theo thông tin từ NHNN, tới cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 4,56%, thấp hơn mức 4,73% vào cuối tháng 6. Diễn biến này làm tăng thêm áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm.

NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay thêm 1,5-2% trong tháng 8 vừa qua. Lãi suất huy động duy trì đà giảm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.

Dù vậy, với việc lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại cùng rủi ro tỷ giá lớn hơn, các chuyên gia BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể sẽ giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Ngoài ra, hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID - 19, theo đó, dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động được nhận định là không còn lớn.

Trần Thúy

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ