Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán KIS, thị trường trái phiếu Việt Nam đã trải qua sự phát triển vượt bậc từ năm 2018, khi tổng giá trị phát hành tăng đột biến từ 49 nghìn tỷ đồng năm 2017 lên 164 nghìn tỷ đồng trong năm 2018. Đỉnh cao của thị trường đạt được vào năm 2021, với tổng giá trị phát hành vượt hơn 700 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, việc huy động vốn qua trái phiếu đã gặp nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ hoặc sử dụng nguồn tiền sai mục đích.
Theo KIS, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 460 nghìn tỷ đồng, con số cao nhất từ trước đến nay. Áp lực đáo hạn này tập trung chủ yếu vào quý II và quý IV/2024, với giá trị lần lượt là 130 nghìn tỷ và 165 nghìn tỷ đồng, chiếm 29% và 36% tổng giá trị đáo hạn cả năm.
Việc huy động vốn để đáo hạn trái phiếu đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn và nhu cầu vốn tăng cao. Áp lực này không chỉ giới hạn ở một số ngành nhất định mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Ngành bất động sản đối diện với rủi ro cao
Báo cáo của KIS nhấn mạnh rằng, bất động sản là ngành chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong quý IV/2024, với tổng giá trị đáo hạn lên tới 55 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 33,5% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của toàn thị trường. Đây là một mức cao kỷ lục và đặt các doanh nghiệp bất động sản trước những thách thức lớn khi huy động nguồn vốn mới để đáo hạn.
Trong khi nhóm ngân hàng cũng có giá trị đáo hạn tương đối cao, đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, các ngân hàng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tốt và có khả năng trả nợ cao hơn. Tuy nhiên, đối với nhóm bất động sản, tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều khi hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều gặp trở ngại trong việc triển khai các dự án mới trong năm 2024, khiến các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đáo hạn.
Chứng khoán KIS nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý IV/2024 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, sẽ phải chuyển hướng dòng tiền từ các kênh đầu tư khác sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ trái phiếu đến hạn. Tháng 12/2024 dự kiến sẽ là thời điểm khó khăn nhất khi giá trị trái phiếu đáo hạn lên đến 93 nghìn tỷ đồng, gây áp lực lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
Cổ phiếu của nhóm bất động sản cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, khi áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu làm giảm tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Với triển vọng kinh doanh không mấy sáng sủa của nhóm bất động sản trong năm 2024, khả năng huy động vốn để đáo hạn trái phiếu trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể kéo theo sự suy giảm về giá trị của các cổ phiếu thuộc nhóm này, gây áp lực giảm lên toàn thị trường chứng khoán.
Mặc dù áp lực đáo hạn trái phiếu trong quý IV/2024 được đánh giá là rất lớn, nhưng KIS vẫn duy trì quan điểm rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong thời gian tới. Áp lực này chủ yếu tập trung vào tháng 12 và không đủ mạnh để làm đảo chiều xu hướng tăng của thị trường. KIS dự đoán, chỉ số VN-Index vẫn sẽ tiến lên ngưỡng 1.400 – 1.450 điểm trong quý IV/2024, nhờ vào sự ổn định của các yếu tố vĩ mô và dòng tiền mới vào thị trường.
Bất ngờ với chiến lược giảm nợ của Đầu tư I.P.A: Liên tục mua lại trái phiếu trước hạn Đầu tư I.P.A tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn và phát hành mới để tái cấu trúc tài chính, hướng tới mục tiêu ... |
VinFast phát hành lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng với lãi suất 13,5% VinFast vừa phát hành thành công lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng với lãi suất 13,5%/năm. Đây là bước đi quan trọng nhằm giảm áp ... |
Bất động sản gặp khó trước áp lực đáo hạn trái phiếu: Rủi ro chậm trả lãi và gốc đang hiện hữu Trong quý IV/2024, hơn 87,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn, với 35% đến từ nhóm bất động sản. Trong bối ... |
Anh Vũ