Hóa giải áp lực lạm phát Giải pháp nào để giảm áp lực lạm phát cho năm 2024? |
Có áp lực...
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước và ngày càng tiến gần hơn ngưỡng 4,5% của mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4-4,5% trong năm 2024. Đặc biệt, từ ngày 1/7 mức lương cơ sở tăng khiến cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ cũng tăng giá theo lương, điều này làm CPI tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao thứ 2 trong 7 tháng đầu năm sau mức tăng 1,04% của tháng 2/2024 là tháng Tết Nguyên đán.
Việc tăng lương từ 1/7/2024 có thể sẽ làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung - cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, gây bất định cho cả sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm tăng biến động tài chính… Điều này tác động, tạo áp lực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam trong năm 2024.
Trong nước, việc tăng lương từ 1/7/2024 sẽ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung - cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Tuy nhiên, mặc dù những năm gần đây Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên việc tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát. Song theo bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): Việc “té nước theo mưa” ít nhiều vẫn xảy ra, tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.
Đặc biệt, theo đại diện Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình như: Điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; giá thịt lợn tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, xung đột ở một số khu vực trên thế giới khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng... làm gia tăng chi phí sản xuất và tạo áp lực lên lạm phát những tháng còn lại của năm 2024.
Nguồn cung thực phẩm dồi dào cũng làm giảm áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm (Ảnh: Minh Anh) |
... nhưng lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tạo áp lực lên lạm phát, Tổng cục Thống kê cũng dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá, khả năng thực hiện kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.
Còn theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Có thể điều chỉnh tăng lương sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng không làm mặt bằng giá cả thay đổi một cách đột biến. Bởi hiện nay người dân họ cũng bình tĩnh, tỉnh táo hơn và không dễ bị thay đổi do mặt bằng giá ở một số lĩnh vực, nên Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát ở mức mong muốn từ 4-4,5%.
“Đặc biệt, hiện các nước trên thế giới mức lạm phát đều đã được kiểm soát ở mức 3-4%, sau Covid-19, tất cả các nước trên thế giới đã tập trung giải quyết vấn đề lạm phát, lạm phát thế giới đã ổn định và tập trung cho tăng trưởng, nên không có lý do gì mà lạm phát của Việt Nam lại cao” – PGS, TS Bùi Quang Tuấn khẳng định.
Mới đây nhất, ông Helmi Arman - Kinh tế trưởng về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Citibank Việt Nam đã đưa ra dự đoán, áp lực tăng chi phí trong lĩnh vực công nghiệp sẽ bình thường trở lại vào năm 2024, với lạm phát có thể duy trì ở mức 3,5% đến 4%. Mặc dù lạm phát giá lương thực trong tháng 6 khá cao, ảnh hưởng đến chỉ số chung nhưng lại được cân bằng bởi đà giảm của giá nhiên liệu.
Các chuyên gia kinh tế của Citibank vẫn lạc quan rằng, tỷ lệ lạm phát còn ít dư địa để tiếp tục tăng. Có thể có những điều chỉnh về giá điện trong nước, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự kiến có thể dẫn đến khả năng giảm giá dầu vào nửa cuối năm 2024 và năm 2025, điều này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, giá gạo giảm ở các nước láng giềng có thể làm giảm nhu cầu xuất khẩu gạo của Việt Nam, dẫn đến lạm phát giá lương thực trong nước giảm.
"Nhìn chung các chuyên gia kinh tế của Citibank không cho rằng mức lạm phát mục tiêu 4,5% sẽ bị phá vỡ, mặc dù lạm phát nền có thể tăng khi nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi" - đại diện Citibank Việt Nam khẳng định.