Áp lực giá vốn, Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi ròng “lao dốc” hơn 92% trong quý 2

(Banker.vn) Doanh thu sụt giảm cùng áp lực giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận quý 2/2023 của Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM) lao dốc tới 92%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của DPM, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn tăng 7,6% lên hơn 3.318 tỷ đồng kéo biên lãi gộp từ 39% xuống còn 10%. Sau khi khấu trừ giá vốn, DPM ghi nhận đạt 388,6 tỷ đồng lãi gộp, giảm 80% so với cùng kỳ.

Áp lực giá vốn, Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi ròng “lao dốc” hơn 92% trong quý 2

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh gấp 2,7 lần, đạt 185 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 23% xuống 16,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm nhẹ 3% xuống gần 230 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 129 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 27/6 vừa qua, DPM xác định rõ năm 2023 là một năm có nhiều thách thức đối với công ty. Trong bối cảnh giá phân bón giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong mấy năm qua, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng và Nhà máy Đạm Phú Mỹ phải dừng máy 1 tháng để bảo dưỡng theo định kỳ. Với tình hình đó, DPM đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ, lần lượt giảm 8,6% và 60% so với thực hiện năm 2022.
“Tuy con số mục tiêu khá thận trọng, nhưng đây vẫn là các chỉ tiêu đầy thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để hoàn thành”, ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc DPM nói.

Doanh thu sụt giảm trong khi giá vốn lại tăng, sau khi khấu trừ chi phí, DPM ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Lãi ròng công ty mẹ đạt gần 101 tỷ đồng, giảm 92,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.972 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi ròng 361 tỷ đồng, giảm 90% so với nửa đầu năm 2022. Như vậy, DPM mới chỉ hoàn thành 16% kế hoạch lợi nhuận năm mặc dù lên kế hoạch thận trọng trong năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của DPM ghi nhận ở mức 15.157 tỷ đòng, giảm 15% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.268 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 6.700 tỷ đồng và hàng tồn kho ghi nhận 2.338 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sỡ hữu ghi nhận 12.691 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm; nợ phải trả ghi nhận 2.467 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 1.878 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DPM sụt giảm trong giai đoạn nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây đã hồi phục khá tốt, so với đáy hồi cuối tháng 5/2023, cổ phiếu DPM đã tăng trưởng 25%. Tính đến thời điểm đóng phiên ngày 8/8, giá cổ phiếu DPM đang ở mức 39.550 đồng/cp (tương ứng tăng 1,41%). Tuy nhiên, so với thị giá thời điểm đầu năm (43.000đồng/cp) hiện cổ phiếu DPM đã giảm khoảng 8%.

Áp lực giá vốn, Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi ròng “lao dốc” hơn 92% trong quý 2
Biểu đồ giá cổ phiếu DPM

Cũng liên quan đến cổ phiếu DPM, mới đây Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra những nhận định tích cực đối với cổ phiếu của Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Cụ thể, BSC cho rằng kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã tạo đáy và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 nhờ giá Ure có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc DPM sở hữu bảng cân đối kế toán lành mạnh cùng lượng tiền mặt lớn sẽ đem lại doanh thu tài chính ổn định cho DPM đồng thời đảm bảo mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn 10% - 12%.

BSC cho rằng trong bối cảnh giá Ure có xu hướng phục hồi và DPM là cổ phiếu nhạy cảm với giá ure sẽ là một lựa chọn hấp dẫn để đầu tư.

Cổ phiếu DPM đã tăng 14% kể từ khuyến nghị gần nhất của BSC. BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPM và nâng giá mục tiêu lên 45.000 đồng/cp (Upside 27% so với giá đóng cửa ngày 3/8/2023 bao gồm tỷ suất cổ tức 10%).

Giá mục tiêu mới chủ yếu do BSC dời giá mục tiêu sang 2024F và dựa trên phương pháp định giá P/B với tỷ lệ P/B mục tiêu bằng 1.4x tương đương mức trung vị ngành. Với vị thế đầu ngành phân bón cùng bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt lớn, BSC cho rằng DPM xứng đáng với mức P/B mục tiêu 1.4x.

Cổ phiếu ngành phân bón "khó lòng" tạo sóng năm 2023

Chứng khoán KIS đánh giá, ngành phân bón Việt Nam không có quá nhiều triển vọng tăng trưởng cả về giá bán và sản lượng ...

Triển vọng ngành phân bón có thể tươi sáng hơn nhờ mùa gieo trồng mới

Chứng khoán KIS duy trì đánh giá Trung lập đối với ngành phân bón Việt Nam do không có sự tăng trưởng đột biến cả ...

Lợi nhuận sụt giảm, ông lớn ngành phân bón trấn an cổ đông bằng cổ tức "khủng"?

Trong báo cáo mới đây, SSI Research dự báo lợi nhuận ngành phân bón 2023 sẽ giảm đáng kể so với mức nền cao được ...

Minh Khang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán