Các đợt bùng phát COVID-19 và chính sách nghiêm ngặt của Bắc Kinh đang làm nản lòng các nhà đầu tư toàn cầu, những người lo ngại việc gián đoạn hoạt động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ lan rộng khi chuỗi cung ứng bị ngắt quãng, còn nhu cầu tiêu dùng thì giảm sút. Những lo ngại bao trùm khiến giới đầu tư không chỉ bán tháo tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc mà còn bán tài sản của bất kỳ quốc gia đang phát triển nào phụ thuộc nhiều vào thương mại với Bắc Kinh. Kết quả, thị trường tài chính ở các thị trường mới nổi đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng hai năm qua.
Năm 2015, cuộc khủng hoảng chứng khoán tại Trung Quốc chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính trong nước. Kể từ đó đến nay, ảnh hưởng của đất nước này đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.
“Với tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu, những thất vọng hơn nữa về tăng trưởng của quốc gia có thể dẫn đến nhiều rủi ro lây lan hơn. Chúng tôi nhận thấy, các quốc gia có liên kết thương mại cao với Trung Quốc là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ”, Johnny Chen và Clifford Lau, nhà quản lý tiền tệ tại William Blair Investment Management, Singapore đánh giá.
Thời điểm hai trung tâm kinh tế Thượng Hải và Bắc Kinh bắt đầu phải chịu các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào cuối tháng 4, đồng nhân dân tệ đã có mức giảm hàng tháng tồi tệ nhất trong ít nhất 12 năm.
Chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi (MSCI), với tỷ trọng gần 30% là nhân dân tệ, cũng giảm song song. Mối tương quan trong 30 ngày của đồng nhân dân tệ với chỉ số MSCI tăng lên mức mạnh nhất kể từ tháng 9, nhấn mạnh ảnh hưởng của đồng tiền này trong việc bán tháo ở thị trường mới nổi. Sau khi Thượng Hải báo cáo những ca tử vong đầu tiên kể từ đợt bùng phát gần đây nhất, tình trạng bán tháo hoảng loạn đã lan sang thị trường trái phiếu và cổ phiếu.
Theo Bloomberg, quy mô thiệt hại của thị trường tài chính đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc, khẳng định sẽ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đồng thời bày tỏ sẵn sàng giải quyết các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực công nghệ. Những cam kết này phần nào xoa dịu các nhà đầu tư mặc dù Bắc Kinh vẫn kiên quyết không từ bỏ chính sách “zero-COVID” nghiêm khắc.
Mặt khác, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022 mà Bắc Kinh đặt ra cũng khiến giới phân tích ngờ vực. GDP của Trung Quốc quý đầu năm nay tăng 4,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4% được ghi nhận ở quý trước và hoàn toàn trái ngược với viễn cảnh đầu năm 2020, khi nền kinh tế nước này suy giảm 6,8%. Tuy vậy, trong quý I, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư đều tuột dốc dưới tác động của chiến dịch “zero-COVID”.
"Con số tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên không phản ánh đầy đủ các tác động của việc phong tỏa. Những tác động tiêu cực sẽ thể hiện trong quý II", bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết.
Theo ông Brendan McKenna, chiến lược gia về tiền tệ tại Wells Fargo, nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhiều, thị trường tiền tệ tại các thị trường mới nổi cũng như đồng nhân dân tệ có thể trải qua một thời kỳ biến động cao và dai dẳng.
Thực tế, đồng rand của Nam Phi đã xóa sổ mức tăng có được trong 4 tháng chỉ trong hai tuần cuối cùng của tháng 4, trong khi đồng tiền của Brazil, Colombia và Chile cũng chứng kiến sự mất giá mạnh trong tháng khởi đầu quý II.
Các nhà quản lý tiền tệ đã nhanh chóng hạ triển vọng tiền tệ đối với các thị trường mới nổi. HSBC đã cắt giảm dự báo đối với chín loại tiền tệ châu Á dựa trên tình hình kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, TD Securities và Neuberger Berman cho biết, đồng won của Hàn Quốc và đồng đài tệ của Đài Loan sẽ chịu áp lực lớn hơn.
Prashant Singh, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao cho các thị trường mới nổi tại Neuberger Berman, Singapore, nhận đinh: “Chúng tôi tiếp tục duy trì lập trường thận trọng và kỳ vọng sẽ có nhiều biến động cho đến khi lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm bớt”.
Còn theo Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Singapore, sự suy thoái của Trung Quốc sẽ tạo ra triển vọng đầy thách thức cho các nền kinh tế mới nổi khi đối mặt với giá năng lượng tăng vọt và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn từ các ngân hàng trung ương lớn.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|