An toàn thực phẩm mùa lễ hội: Tuyên truyền là yếu tố tiên quyết

(Banker.vn) Mùa lễ hội 2024 đã bắt đầu. Hoạt động lễ hội cũng đồng nghĩa với những quán ăn thời vụ xuất hiện. Điều này đặt ra vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Bắc Ninh tăng cường quản lý an toàn thực phẩm mùa lễ hội Kiểm soát an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Theo giới chuyên gia y tế, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm như thịt, hải sản, sữa… rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Còn với thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ dễ khiến thực khách nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan… Do vậy, bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và tại các lễ hội nói riêng là vấn đề quan trọng với sức khỏe người tiêu dùng, đòi hỏi người kinh doanh cần có đạo đức và trách nhiệm.

An toàn thực phẩm mùa lễ hội: Tuyên truyền là yếu tố tiên quyết
Tại Lễ hội Lim (Bắc Ninh) năm nay, các quán ăn được quy hoạch, bố trí hợp lý, quầy hàng có phương tiện che đậy bảo đảm vệ sinh

Trên thực tế, mỗi lễ hội thường chỉ diễn ra trong vài ngày nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách trảy hội cũng có tính thời vụ và hầu hết là loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Trong khi đó, khu vực lễ hội chủ yếu ở ngoài trời, dịch vụ ăn uống cũng mang tính tạm bợ, điều kiện về nước sạch, thu gom chất thải, bảo quản, chế biến thực phẩm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu người chế biến, kinh doanh thiếu ý thức.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 1540 ngày 13/12/2023 về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024. Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như sử dụng thực phẩm nói chung, tập trung vào những cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khó khăn, thách thức lớn nhất đặt ra trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay đó là lực lượng chức năng rất mỏng. Hiện, một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí một phòng trong sở. Còn ngành y tế, nếu nhiều cũng chỉ hơn chục người. Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, trên toàn quốc có khoảng 700.000 cơ sở kinh doanh lớn nhỏ.

Là địa phương với hơn 500 lễ hội mỗi năm, tập trung vào dịp đầu năm sau Tết Nguyên đán, việc kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề luôn được tỉnh Bắc Ninh quan tâm. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp lễ hội, từ trước Tết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định quanh khu vực trung tâm của các lễ hội đều được kiểm tra. Trong thời gian diễn ra lễ hội, cơ quan chức năng tiếp tục giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Riêng trên địa bàn huyện Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh – địa phương đang diễn ra Lễ hội Lim lớn nhất vùng, Ban tổ chức Lễ hội vùng Lim Xuân Giáp Thìn 2024 cho biết: Đối với các gian hàng, quầy hàng được đăng ký, bắt buộc phải ký cam kết bảo đảm với cơ quan quản lý, tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Đội thanh tra quản lý an toàn thực phẩm của huyện tiếp tục phối hợp với ngành y tế giám sát, trực tiếp test nhanh tại chỗ đối với thực phẩm có nguy cơ cao; thực hiện công tác y tế, kiểm tra phòng dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại khu vực lễ hội.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày khai hội Lim năm nay, hoạt động văn hóa ẩm thực được kiểm soát khá chặt chẽ. Các quán ăn được quy hoạch, bố trí hợp lý, quầy hàng có phương tiện che đậy, bao gói thực phẩm bảo đảm vệ sinh…

Ông Nguyễn Hùng Long chia sẻ thêm: Trong kế hoạch kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo ngành Trung ương về an toàn thực phẩm Tết Giáp Thìn cũng như lễ hội Xuân 2024, các cơ quan quản lý như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế chủ trì các đoàn liên ngành, nhưng trong đó đều mời thành phần tham gia là các ban, ngành, đoàn thể hội khác như Hội nông dân thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố…

Trong quá trình kiểm tra, không phải lúc nào cũng đủ thành phần hiệp hội đó nhưng họ cũng góp phần thực hiện giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm ở các địa phương, để thông báo cho chính quyền địa phương khi phát hiện những vi phạm hoặc hành vi có thể gây ra mối nguy đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Hùng Long cho hay.

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Đảm bảo an toàn thực phẩm, tôi cho rằng vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên...

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương