Án hành chính tỷ lệ hủy, sửa cao có phải do tâm lý nể nang, né tránh?

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về vấn đề án hành chính tỷ lệ hủy, sửa cao có phải là do nể nang hay không?
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thông tin về việc xét xử hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng Sáng 20/3, chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp thứ 21 sáng 20/3, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho biết, theo báo cáo tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn còn cao.

Đề nghị đồng chí Chánh án cho biết nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, phải chăng còn có lý do là tâm lý của một bộ phận thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm còn có tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong giải quyết? Bởi vì bên bị kiện chủ yếu là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu

Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang Tòa án giải quyết. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của Tòa án trong thực hiện đề xuất này?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Quảng Trị chất vấn, với tinh thần trách nhiệm và tính chuyên môn cao, trên cơ sở xem xét kỹ càng, đầy đủ, công tâm và khách quan kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và các đại biểu Quốc hội về vụ án gỗ trắc.

Các cơ quan đã thống nhất kết luận trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định trong vụ án có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến việc buộc tội bị cáo chưa đủ căn cứ vững chắc, cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, xem xét lại vụ án khách quan, toàn diện.

Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết quan điểm, ý kiến như thế nào nếu Ủy ban Quốc hội cho tiến hành giám sát toàn diện vụ án này?

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn Long An đặt câu hỏi, theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tính đến hết tháng 2/2023, cả nước đã đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến hơn 5.400 vụ. Tuy nhiên so với tổng số vụ việc các cấp đã giải quyết trong thời gian qua, tỷ lệ xét xử trực tuyến chiếm tỷ lệ không cao.

Qua nghiên cứu báo cáo và thực tế tại cơ sở, áp lực rất lớn cho toà án ở địa phương hiện nay là thiếu nguồn kinh phí để đầu tư và kĩ năng xét xử trực tuyến, trình độ chuyên môn, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử chưa đáp ứng yêu cầu.

Với trách nhiệm của mình, đại biểu đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và các giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập, hạn chế nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nâng cao chất lượng xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn An Giang nêu, báo cáo của ngành cho biết một trong những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng là do nhận thức giữa các cơ quan tố tụng về một số vấn đề do quy định của pháp luật còn chưa thống nhất. Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết giải pháp căn cơ nhất để khắc phục những hạn chế liên quan đến vấn đề này?

Bên cạnh đó, trong năm 2022, ngành Tòa án đã thụ lý số vụ và giải quyết tăng cao hơn so với năm trước 7,7%. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn so với luật định do nguyên nhân chủ quan. Đại biểu đề nghị Chánh án làm rõ nguyên nhân chủ quan và có giải pháp sớm khắc phục những vấn đề hạn chế liên quan đến nguyên nhân này?

Không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án

Trước câu hỏi về án hành chính tỷ lệ hủy, sửa cao có phải là do nể nang hay không và giải pháp khắc phục như thế nào, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay đang có rất nhiều tồn tại xung quanh án hành chính, tỷ lệ thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Năm 2022, tỷ lệ xét xử án hành chính với nỗ lực của tòa án đã đạt so với yêu cầu của Quốc hội, có tăng nhưng không nhiều, vượt 12%.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

"Xung quanh án hành chính có mấy tồn tại đã nêu trong báo cáo. Một là, tỷ lệ xử thấp. Hai là, hủy, sửa nhiều hơn các án khác, trong khi Quốc hội cho phép hủy, sửa là 1,5% thì án hành chính lên đến 4%, cao hơn yêu cầu của Quốc hội" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.

Bên cạnh đó, án hành chính không được thực thi, có bản án rồi nhưng Ủy ban nhân dân các cấp không thi hành nghiêm túc, gây bức xúc cho người dân. Đây là những tồn tại của án hành chính.

Những tồn tại này có phải do thẩm phán nể nang hay không? Việc nể nang là có thật, nhưng không nhiều. "Khi xét xử các thẩm phán xét xử các vụ án của Ủy ban nhân dân cùng cấp cũng có câu chuyện nể nang, đấy là có thật, nhưng tỷ lệ không nhiều. Tuyệt đại đa số các thẩm phán đều phát huy bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và xét xử vụ án hành chính nghiêm túc. Tuy nhiên, việc nể nang cũng có chứ không phải không có" - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc nể nang không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy, sửa cao. Tỷ lệ hủy, sửa cao có những nguyên nhân chủ yếu như: Việc cung cấp tài liệu của Ủy ban nhân dân các cấp cho người dân không đầy đủ. Riêng án hành chính, án dân sự thì trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thuộc các bên, của những bên đi kiện và bên bị kiện. Án dân sự thì nguyên đơn và bị đơn; án hình sự là của cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước ở đây là Viện kiểm sát và cơ quan điều tra.

Riêng án hành chính việc chuẩn bị tài liệu của các bên, việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử. Nếu các bên chuẩn bị không đầy đủ thì trên cơ sở các tài liệu như vậy có thể sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Thông thường UBND các cấp, luật quy định có trách nhiệm phải đưa tài liệu cho người dân, cung cấp tài liệu theo yêu cầu người dân. Tuy nhiên, việc cung cấp của Ủy ban nhân dân rất hạn chế, cho nên tài liệu không đủ, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Mặt khác, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. Vấn đề này có nhiều lý do. Luật Tố tụng hành chính quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khi bị kiện thì phải ra tòa, chỉ được ủy quyền đến cấp phó của mình, tức là Chủ tịch thì được ủy quyền, ông Phó Chủ tịch không được ủy quyền sâu hơn.

“Các vụ án cấp tỉnh, Chủ tịch UBND rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do vậy mà các vụ án hành chính thường bị chậm” - ông Bình nói và cho rằng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến án hành chính bị hủy, sửa và chậm được khắc phục, chứ không phải nguyên nhân chính là cả nể, mặc dù cả nể là có trên thực tế.

Về giải pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử tất cả các loại án, ngành toà án đã để ra 14 giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. “Còn đối với việc cả nể, mặc dù ít nhưng cũng cần đặt ra. Thời gian tới, vụ án kiện huyện thì do tỉnh xử, vụ án của tỉnh thì do tòa chuyên biệt xử” - ông Bình cho hay.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có đặt vấn đề tất cả tranh chấp về đất đai thì giao cho tòa xử. Đối với luật hiện hành, người dân có thể kiện những vấn đề liên quan đến đất đai ra UBND hoặc có thể kiện ra tòa.

Tuy nhiên, nếu đưa hết ra tòa án thì hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn (hoặc xử trước tòa, hoặc xử hành chính). Việc xử hành chính của người dân tại UBND có lợi rất lớn là UBND cấp dưới mà sai thì UBND cấp trên có tài liệu, có khả năng sửa chữa ngay mà không cần phải đưa ra tòa.

Qua đó vụ án được giải quyết nhanh và có trách nhiệm, không cần phải đi thu thập tài liệu, bất tiện cho người dân. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cân nhắc, không đưa hết các khiếu kiện đất đai sang Tòa án trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về vụ án cụ thể được đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, bản án đã làm đúng người đúng tội, việc này được nhiều cơ quan, bộ ngành hữu quan khẳng định. Nếu Quốc hội quyết định giám sát, theo đúng chức năng nhiệm vụ, Tòa án nghiêm túc chấp hành.

Về xét xử trực tuyến, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt các chương trình liên quan để có nguồn lực để trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc xét xử trực tuyến, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các phiên tòa này.

Về việc các vụ việc, vụ án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc công việc quá nhiều cùng một lúc, áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết số lượng các vụ việc ở nhiều địa phương vượt gấp đôi quy định. Cho nên ảnh hưởng tới thời hạn giải quyết vụ án. Tuy nhiên tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu.

Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thẳng thắn thừa nhận, cũng có nguyên nhân chủ quan do tinh thần trách nhiệm, năng lực của thẩm phán kém hoặc do các yếu tố chủ quan khác. Những nguyên nhân này sẽ được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương