An Giang: Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại trên nền tảng số

(Banker.vn) Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 3 cơ sở kinh doanh hàng nhập lậu trên nền tảng số Facebook.
TP. Hồ Chí Minh: Điểm nóng kinh doanh hàng nhập lậu TP.HCM: Phát hiện 27.000 linh kiện, phụ kiện, thiết bị điện thoại di động không rõ nguồn gốc xuất xứ

Sau thời gian theo dõi 3 fanpage bán hàng trên nền tảng Facebook https://www.facebook.com/ngoc.giau.948 có địa chỉ số 105, Nguyễn Tri Phương , Phường Vĩnh Mỹ , TP. Châu Đốc, tỉnh An giang do bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu làm chủ; https://www.facebook.com/july13store có địa chỉ 107 Nguyễn Tri Phương, TP. Châu Đốc và http://www.facebook.com/giahung.lam.986 ở thị trấn An Phú thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm này.

Các cơ sở này đang hoạt động kinh doanh dưới hai hình thức là truyền thống và trực tuyến, chủ cơ sở thường đăng các tin, bài và hình ảnh sản phẩm trên trang facebook để rao bán.

An Giang: Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại trên nền tảng số
Hàng loạt các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đã bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 122 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm gồm xà phòng, mặt nạ dưỡng da, son môi, kem chống nắng, sữa rửa mặt, bông tẩy trang có dấu hiệu giả mạo. Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cơ sở không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản và tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng trên. Tổng giá trị hàng hóa bị tạm giữ là 8.545.000 đồng. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.500.000 đồng về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử nước ta đã có những bước phát triển mạnh, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cũng như cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, thông qua nền tảng này một số đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc trục lợi.

Thực hiện Kế hoạch số 647/KH-CQLTT ngày 26/4/2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử và Kế hoạch số 1175/KH-CQLTT ngày 13/7/2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 4 sẽ tiếp tục quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi vi phạm khác trên cả hai phương diện thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Việc này nhằm tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục