An Giang: Kết quả tổ chức thi hành các bản án liên quan đến hoạt động ngân hàng đạt hiệu quả cao

(Banker.vn) Sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, như: cung cấp thông tin tài sản, tài khoản…, đặc biệt việc phối hợp về phong tỏa tài khoản của người có nghĩa vụ thi hành án, phối hợp xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh được thuận lợi.

Để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự địa phương tập trung rà soát, phân loại, xử lý tài sản thi hành án có liên quan đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.

sua-doi-luat-tranh-that-thu-thue.jpg
Kết quả tổ chức thi hành các bản án liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đạt hiệu quả cao

Trên cơ sở đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến vụ án hình sự, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng, đã xử lý dứt điểm nhiều vụ việc với khoản nợ có giá trị lớn trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, việc phối hợp giữa các cơ quan thi hành án với các TCTD trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, như: cung cấp thông tin tài sản, tài khoản…, đặc biệt việc phối hợp về phong tỏa tài khoản của người có nghĩa vụ thi hành án, phối hợp xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh được thuận lợi.

Kết quả năm 2021, số việc phải thi hành là 1.047 việc (số tiền là 3.194 tỷ đồng), đã thi hành xong 125 việc, với số tiền thu được là 135 tỷ đồng. Năm 2022, số việc phải thi hành là 985 việc (số tiền là 2.512,2 tỷ đồng), đã thi hành xong 122 việc, với số tiền thu được là 103 tỷ đồng. Qua năm 2023, số việc phải thi hành là 1.175 việc (số tiền là 2.467 tỷ đồng), đã thi hành xong 90 việc, với số tiền thu được là 101,3 tỷ đồng.

Năm 2024, Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo chấp hành viên rà soát ngay từ đầu năm các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng, khẩn trương xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế đối với hồ sơ có điều kiện thi hành án, có tài sản bảo đảm, giá trị lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, thực hiện đúng, kịp thời việc đưa tài sản bảo đảm ra bán đấu giá theo đúng quy định.

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch cưỡng chế giao tài sản đối với vụ việc bán đấu giá thành công ngay khi người mua trúng đấu giá nộp đủ tiền mua tài sản. Có kế hoạch phối hợp với địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức giao tài sản, cưỡng chế giao tài sản đúng thời hạn quy định, tránh trường hợp người trúng đấu giá lấy lý do vi phạm hợp đồng để hủy kết quả bán đấu giá.

Tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra chuyên đề đối với nhóm hồ sơ thi hành án tín dụng, ngân hàng tại các đơn vị trực thuộc, kịp thời biểu dương kết quả đạt được, đồng thời xem xét trách nhiệm chậm tổ chức thi hành án.

Tiếp tục chỉ đạo chấp hành viên chủ động thực hiện tốt, có hiệu quả, đúng quy định về nhiệm vụ giám sát trình tự, thủ tục bán đấu giá của các tổ chức bán đấu giá, nhằm đảm bảo việc bán đấu giá tuân thủ đúng các quy định về pháp luật đấu giá tài sản.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi các khoản nợ của TCTD, ngân hàng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang kiến nghị các TCTD, ngân hàng kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp.

ThS. Trần Trọng Triết

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục