Ấn Độ tăng tốc để trở thành cường quốc

(Banker.vn) Tăng trưởng của Ấn Độ sẽ tăng tốc trong những năm tới nhờ lực đẩy của tiêu dùng, đầu tư đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước và xuất khẩu.
Sản lượng gạo, lúa mì của Ấn Độ sẽ giảm trong niên vụ 2023/2024 Ấn Độ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi để hướng tới tự chủ về công nghệ Bộ trưởng Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ: Google không được phép xóa ứng dụng của Ấn Độ

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đến năm 2030 có thể vượt qua Đức và Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Trước đây, do các vấn đề như thiếu vốn đầu tư và thu hồi đất đai…, nên cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn lạc hậu và có rất nhiều thách thức trong công tác xây dựng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã coi tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt và đường bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Nhiều sân bay quan trọng cũng lần lượt xây dựng nhà ga mới.

Tham vọng trở thành công xưởng thế giới

Gần đây, Ấn Độ đã đón các tập đoàn Apple, Samsung, Airbus trong nỗ lực thành công xưởng thế giới. Apple là một trong những tên tuổi đi đầu mở cơ hội cho Ấn Độ thành công xưởng thế giới. Apple tăng tốc và bắt đầu sản xuất các mẫu điện thoại mới nhất tại đây, đầu tiên là iPhone 14, sau đó đến iPhone 15. Hiện, khoảng 12-14% chiếc điện thoại của “táo khuyết” bán ra trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ và sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal hy vọng tấm gương của Apple sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ đến các công ty toàn cầu. Xuất khẩu điện thoại thông minh của nước này đã tăng gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, đạt 11 tỷ USD.

An do
Ấn Độ đang trở thành một địa chỉ sản xuất quan trọng của Apple

Cách đây một thập kỷ, Chính phủ của Thủ tướng Modi nêu tham vọng lâu dài là biến quốc gia Nam Á này thành công xưởng mới của thế giới. “Tôi muốn kêu gọi toàn thế giới: Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ”, ông Modi nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa, Ấn Độ đưa ra sáng kiến “Make in India” nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, vốn chỉ chiếm 17% GDP. Chiến lược này gồm tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất nội địa. Tăng trưởng kinh tế cao (7,3%), dân số đông nhất thế giới - 1,4 tỷ người - cũng là những lợi thế giúp quốc gia Nam Á thu hút các tập đoàn muốn tiếp cận thị trường đang bùng nổ này.

Ấn Độ ghi nhận 71 tỷ USD vốn FDI trong năm tài chính 2022-2023, riêng nửa đầu năm là 33 tỷ USD. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos vào đầu năm 2024, Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ashwini Vaishnaw nói, nước này đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm trong giai đoạn tới.

Để đạt được, Ấn Độ cải thiện 4 động lực, gồm cơ sở hạ tầng (vật chất và kỹ thuật số), nâng cao đời sống tầng lớp thu nhập thấp nhất, thúc đẩy sản xuất và đơn giản hóa các quy trình thủ tục.

Bằng cách tiếp cận đa chiều, Chính phủ Ấn Độ muốn hướng đến mục tiêu cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cao cấp PS Suryanarayana của Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, Ấn Độ khó có thể nhanh chóng trở thành công xưởng thế giới. Hiện nay, Ấn Độ chủ yếu nỗ lực xây dựng cơ sở sản xuất hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này, mặc dù Ấn Độ cũng đang tìm cách hợp tác với nước ngoài.

Giáo sư thỉnh giảng Chilamkuri Raja Mohan của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISAS) thuộc Đại học quốc gia Singapore cũng nhận định, Ấn Độ vẫn còn một chặng đường rất dài để trở thành công xưởng thế giới. Ngành sản xuất luôn là nhược điểm của nền kinh tế Ấn Độ.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất (2014-2019), Thủ tướng Modi tìm cách thông qua kế hoạch “Made in India” để xoay chuyển cục diện. Nhiệm kỳ thứ hai (2019-2024), ông Modi tiếp tục thúc đẩy các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ một số ngành sản xuất, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn. Ông đạt được thành công tương đối lớn trên lĩnh vực điện thoại di động, đồng thời hy vọng sản xuất máy tính xách tay và máy tính cũng đạt được thành quả tương tự. Vốn đầu tư quốc tế mà ngành sản xuất của Ấn Độ nhận được quả thực tăng trưởng đáng kể trong thời gian này.

Nắm bắt lợi tức dân số, khai thác tiềm năng của thế hệ trẻ

Theo bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR), đến năm 2038, quy mô kinh tế của Hàn Quốc và hai cường quốc dân số là Ấn Độ, Brazil sẽ lọt vào top 10.

Số liệu của S&P Global cũng cho thấy, Đông Á và Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng của toàn cầu. Ấn Độ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á trong những năm tới, tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt 6,4%, năm 2026 đạt 7%.

Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc trở thành nước có dân số lớn đông nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo, một nửa giới trẻ của các nước Nam Á thiếu kỹ năng cần thiết khi rời trường học, không thể tìm được việc làm ổn định.

Trên thực tế, giống như Trung Quốc, tỷ lệ sinh của Ấn Độ cũng đang giảm, nhưng nước này có cái mà các nhà thống kê dân số gọi là động lực dân số, tức là dân số trẻ. Hơn nữa, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Ấn Độ hiện nay nhiều nên dân số sẽ tiếp tục tăng đến giữa thế kỷ này. Dân số trẻ đông có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, giúp nước này có cơ hội gia nhập vào hàng ngũ siêu cường kinh tế.

Theo Tân Hoa xã, trong một báo cáo vào năm 2023 của nhà cung cấp dịch vụ pháp lý trực tuyến Vakilsearch cho biết: “Nếu Ấn Độ muốn tận dụng đầy đủ mô hình kinh tế thế giới sau khi thay đổi, đồng thời cung cấp chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đa dạng và tạo ra một thị trường để các doanh nghiệp có thể dựa vào, thực hiện một số ưu đãi thuế có thể mang lại lợi ích thương mại, giúp các doanh nghiệp đạt được lợi ích lâu dài từ các giao dịch ở Ấn Độ, thì tình trạng không phù hợp giữa kỹ năng và công việc của giới trẻ cần phải thay đổi”.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương