Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, gạo Việt sẽ chịu tác động về giá nhiều hơn lượng

(Banker.vn) Ấn Độ chiếm khoảng 40% gạo xuất khẩu thế giới, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động ngay và mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD Xuất khẩu gạo: Thị trường dự báo vẫn rất tốt Philippines chính thức giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 15%

Thông tin được ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin tại cuộc Họp báo thường kỳ quý II/2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28/6, tại Hà Nội.

Ấn Độ gỡ cấm xuất khẩu gạo, giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Như Cường cho biết, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ Đông Xuân 2023 - 2024 xảy ra tình trạng nhiễm mặn trên 2,2 ha nhiễm mặn tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Việc này cũng xảy ra tại vụ Hè Thu và trên diện tích này, hiện địa phương đang tiếp tục theo dõi, và đánh giá thiệt hại.

Ông Nguyễn Như Cường
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ tại buổi họp báo

Xác định nguyên nhân, ông Cường nhận định, đây là vấn đề khó, liệu có do tác động của việc sử dụng cát biển dẫn đến tính trạng nhiễm mặn tại khu vực này cần đánh giá một cách hệ thống, toàn diện và sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học.

“Trước mắt, chúng tôi ghi nhận có sự nhiễm mặn tại khu vực này. Còn việc xác định nguyên nhân hiện chúng tôi đang phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan cũng như các nhà khoa học, nhưng để đưa ra kết luận cuối cùng cũng sẽ mất thời gian”, ông Nguyễn Như Cường chia sẻ.

Để ngăn chặn tác động của việc nhiễm mặn do tác động của cát biển (nếu có) lên diện tích trồng lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Trồng trọt ban hành Tiêu chuẩn về nguồn đất và nguồn nước, trong đó, đưa ra yêu cầu cụ thể về ranh giới nếu như các đơn vị sử dụng cát biển thi công, nhằm tránh để xảy ra tình trạng nhiễm mặn.

Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, gạo Việt sẽ chịu tác động về giá nhiều hơn lượng
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%)

Về vấn đề Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ có tác động như thế nào đến thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm? Ông Nguyễn Như Cường thông tin, do đây là chủ trương lớn nên cần có bước đi thận trọng và phù hợp. Hiện đang xây dựng mô hình điểm ở một vài địa phương, trên cơ sở đó triển khai nhân rộng. Do đó, Đề án sẽ chưa có những tác động đến thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm.

Liên quan đến nội dung nếu Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động như thế nào đến thị trường lúa gạo Việt Nam? Ông Nguyễn Như Cường nói, hiện thị trường này đang chiếm khoảng 40% gạo xuất khẩu thế giới, do đó, các động thái chính sách của Ấn Độ sẽ tác động ngay, luôn, lập tức và mạnh mẽ đến các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.

Với Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến 2 vấn đề gồm nhu cầu nhập khẩu về lượng của các đối tác và giá gạo xuất khẩu, trong đó, ông Cường nhận định, nếu có xảy ra việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì việc tác động rõ rệt nhất là giá, còn về lượng, với nhu cầu hiện nay và sản lượng gạo trên thế giới thì mức độ tác động sẽ ít hơn.

Xuất khẩu gạo đã thu về 2,98 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha lúa, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 28/6, cả nước đã thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn tin tại buổi họp báo
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin tại buổi họp báo

6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), trị giá 2,98 tỷ USD (tăng 32%). Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, với đà này, xuất khẩu gạo sẽ đạt con số 8 triệu tấn.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%. Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, hi vọng năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ thu về 54 tỷ USD.

Về nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm đối với ngành nông nghiệp, ông Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ sẽ tập trung vào giải ngân đầu tư công, trong đó tập trung vào hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics, thủy sản, lâm nghiệp, thủy sản; khoa học công nghệ cần đi tiên phong; đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh….

Với các chiến lược chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp được triển khai tổng thể, ông Phùng Đức Tiến kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ được duy trì, quý sau tăng cao hơn quý trước và năm sau tăng cao hơn năm trước.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương