Ấn Độ “bùng nổ” trên đà trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới

(Banker.vn) Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, nước này dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2028, với GDP đạt 5.000 tỷ USD, vượt qua cả Đức và Nhật Bản.
Mời tham dự Hội chợ Dệt may Bharat Tex 2024 tại Ấn Độ Mời tham dự Hội chợ triển lãm du lịch SATTE 2024 tại Ấn Độ Ấn Độ xây dựng số lượng lớn nhà máy lọc dầu; châu Á nhập khẩu dầu kỷ lục

Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và quốc gia Nam Á này dường như sẽ sớm vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á, lớn thứ 3 thế giới. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP 3.700 tỷ USD.

Thủ tướng Narendra Modi tự tin Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của chính phủ thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền.

Ấn Độ trên đà tăng trưởng

Số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, GDP của Ấn Độ trong quý III/2023 tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ấn Độ một lần nữa có được tốc độ tăng trưởng nổi bật so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới”, ông Rahul Bajoria, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Barclays tại Ấn Độ nhận định.

So với Trung Quốc, nền kinh tế giữ vị trí tăng trưởng cao nhất của nhóm Các nước có nền kinh tế lớn (G20) trong nhiều năm chỉ đạt mức tăng 4,9%, con số Ấn Độ đạt được trong thời gian qua là hết sức ấn tượng.

An Do
Trong khi kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc từ nay đến năm 2028 thì Ấn Độ có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Tăng trưởng của Ấn Độ sẽ tăng tốc trong những năm tới nhờ lực đẩy của tiêu dùng, đầu tư đến từ cả doanh nghiệp trong, ngoài nước và xuất khẩu. Chương trình Make in India của Thủ tướng Modi, cùng với việc nhiều công ty đang tìm cách rời Trung Quốc, sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ hơn nữa. Ngoài ra, sự tăng trưởng dân số nhanh chóng sẽ thúc đẩy mảng dịch vụ.

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ dự kiến đạt trung bình hơn 6% mỗi năm cho đến năm 2028, thuộc hàng cao nhất ở châu Á, tuy nhiên nước này tự tin có thể tăng tốc lên đến 7% nhờ sức mạnh của lĩnh vực tài chính và các cải cách gần đây.

Ngoài ra, với những giả định hợp lý về chênh lệch lạm phát và tỉ giá hối đoái, Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế trị giá 7.000 tỷ USD trong vòng 6-7 năm tới (vào năm 2030). Điều này cũng tương đồng với đánh giá của IMF mới đây cho rằng Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với tăng trưởng ổn định ở mốc 6,5% trong năm 2024-2025.

Có nhiều yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đầu tiên, GDP bình quân đầu người của nước này hiện chỉ bằng 20% của Trung Quốc và 5% của Mỹ nên đà tăng trưởng sẽ rất lớn. Khi vốn và kỹ năng của lực lượng lao động được tích lũy đủ, Ấn Độ có thể đạt được mức tăng năng suất lớn trong thời gian ngắn. Ấn Độ cũng được hưởng lợi thế từ dân số trẻ và đông. Khi các công ty đa quốc gia đang chuyển sang chiến lược “Trung Quốc +1”, Ấn Độ có trong việc trở thành nước “+1” nhờ sở hữu thị trường lớn nhất trong số các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại New Delhi đã giúp thị trường chứng khoán nước này liên tiếp lập đỉnh. Ấn Độ đang tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn trên bản đồ kinh tế thế giới. Báo cáo gần đây của tổ chức Fitch Solutions cho thấy, thị trường tiêu dùng tại Ấn Độ sẽ lớn nhất thế giới trước năm 2027, do số gia đình thu nhập trung bình và cao đang tăng.

Ấn Độ trước những thách thức

Theo dự báo của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global, tăng trưởng GDP của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng lên 6,9% trong năm tiếp theo và đạt mức 7% vào năm tài chính 2026-2027. S&P Global kỳ vọng Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong 3 năm tới trước khi vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, S&P Global cũng chỉ ra một số vấn đề mà Ấn Độ cần phải giải quyết. Thử thách quan trọng hàng đầu với Ấn Độ trong những năm tới sẽ là phát triển cơ sở hạ tầng logistics để biến quốc gia này từ một nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ chuyển dịch sang nền kinh tế tập trung sản xuất, qua đó đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất lớn tiếp theo của thế giới.

An Do
Thủ tướng Narendra Modi tự tin Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp

Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ cần phát triển thêm nguồn nhân lực của mình như nâng cao trình độ của người lao động cũng như tăng cường sự tham gia của lao động nữ vào thị trường lao động. Ấn Độ hiện tại đang có lợi thế từ nguồn lao động trẻ dồi dào và tận dụng tốt lợi thế này sẽ giúp cho nền kinh tế Ấn Độ có những bước chuyển mình đáng kể.

Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, “đây là thập kỷ của Ấn Độ”. Theo Morgan Stanley, việc New Delhi kết hợp tăng cường sản xuất ở nước ngoài và đẩy mạnh đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền sản xuất, chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng trong nước sẽ nhanh chóng giúp quốc gia này hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2030.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, Ấn Độ cũng cần nhanh chóng tư nhân hóa một số doanh nghiệp thuộc khu vực công, đặc biệt là các ngân hàng có lịch sử lâu dài nhưng lợi nhuận thấp. Cải cách thuế cần được ưu tiên khi các doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về một hệ thống phức tạp, thiếu minh bạch.

Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) giữ vị trí xương sống trong nền kinh tế Ấn Độ, chiếm 95% số doanh nghiệp, tạo ra 30% GDP, chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu và sử dụng 110 triệu lao động trực tiếp nhưng lại thường quá nhỏ và yếu nên dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài. Trong đại dịch Covid-19, chỉ trong 12 tháng, 10% số MSME đã đóng cửa, trong khi 59% phải thu hẹp quy mô do không đủ sức chống chịu trước khủng hoảng.

Về dài hạn, S&P Global khẳng định, kinh tế Ấn Độ sẽ được hỗ trở bởi một số động lực tăng trưởng chủ chốt. Trước tiên là tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, kéo theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Thị trường tiêu dùng nội địa Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng cùng các ngành công nghiệp lớn đã khiến nước này ngày càng trở thành điểm đến đầu tư quan trọng đối với nhiều công ty đa quốc gia về sản xuất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục