Ai ‘tiếp tay’ cho những vi phạm tại chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang?

(Banker.vn) Liên quan đến chùa của sư Thích Chân Quang, kết luận thanh tra chỉ rõ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Chùa của sư Thích Chân Quang 'ngang nhiên' tồn tại 35 công trình trái phép lấn chiếm đất rừng Chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang sẽ bị cưỡng chế vi phạm Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý chuyển đổi 2,7ha đất rừng cho chùa của sư Thích Chân Quang sau thanh tra

Như Báo Công Thương đã đưa tin, Chùa Phật Quang (xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do sư Thích Chân Quang trụ trì xây dựng 36 công trình thì có tới 35 công trình không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Theo kết luận thanh tra năm 2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong thời gian Chùa Phật Quang sử dụng đất và xây dựng các công trình trên đất rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tư cách là chủ sử dụng đất đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ai ‘tiếp tay’ cho những vi phạm tại chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang?
Chùa Phật Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Cụ thể, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ đầu (khi bắt đầu phát sinh hành vi vi phạm). Mặt khác, Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ Núi Dinh — Thị Vải ký ban hành văn bản số 84/DA năm 2000 với nội dung xác nhận “diện tích đất ông Vương Tấn Việt sử dụng diện tích đất rừng nhận khoán là 20ha năm trong dự án 1892, nhưng ông Việt sử dụng đất từ năm 1992, trước thời điềm thành lập dự án 1892”, là xác nhận không đúng về nguồn gốc sử dụng đất.

Văn bản này làm cơ sở cho UBND huyện Tân Thành ban hành văn bản số 582/UB-VP ngày 03/10/2000 để chuyển UBND Tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh xem xét giải quyết đơn xin sửa chữa lại nơi thờ tự của ông Việt vào năm 2000.

“Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh chỉ phối hợp để kiểm tra vi phạm mà không sử dụng các biện pháp hữu hiệu để quản lý, bảo vệ rừng theo nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều 2l Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ban hành quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, kết luận thanh tra nêu.

Ai ‘tiếp tay’ cho những vi phạm tại chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang?
Một số công trình vi phạm, lấn chiếm đất rừng. Ảnh: CTV

Những vi phạm của chùa về sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất diễn ra từ lâu, trong thời gian dài, đồng thời, ngày 9/11/2009 Hạt Kiểm lâm có Thông báo số 196/TB-HKL về việc xử lý vi phạm hành chính đối với ông Ngô Quang Phú và kiến nghị Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh có biện pháp xử lý hợp đồng khoán đối với ông Vương Tấn Việt nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh vẫn không xem xét.

“Năm 2011, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh vẫn ký lại Hợp đồng khoán với ông Vương Tấn Việt và đến năm 2012 mới ban hành Quyết định hủy hợp đồng khoán với ông Việt. Điều này thể hiện Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh thiếu tinh thần trách nhiệm, quản lý đất rừng thiếu chặt chẽ, chưa làm tốt vai trò trách nhiệm của mình của trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao”, kết luận thanh tra khẳng định.

Đáng nói, thời điểm năm 2018, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa lập thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 4.150m2 đất thuộc thửa số l3 và 17, tờ bản đồ số 30, bản đồ địa chính xã Tân Hòa, dẫn đến phần diện tích đất này mặc dù thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng đất (Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh), trong khi đó chùa vẫn tiếp tục sử dụng.

Đối với việc Chùa Phật Quang xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ, kết luận thanh tra có nêu, chùa xây dựng nhiều công trình trên đất rừng phòng hộ diễn ra trong thời gian dài nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc.

“Đối với việc Chùa Phật Quang mở con đường nhựa, khi nhận được đơn xin mở đường băng của chùa, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh không có văn bản trả lời chùa về kết quả xử lý vụ việc. Khi chùa xây dựng con đường, Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh cũng không có biện pháp ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vụ việc”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Ai ‘tiếp tay’ cho những vi phạm tại chùa Phật Quang của sư Thích Chân Quang?
UBND thị xã Phú Mỹ sẽ cưỡng chế cưỡng chế những công trình xây dựng do hành vi chiếm 1.418,25m2 đất rừng phòng hộ vào năm 2021 tại Chùa Phật Quang. Ảnh: CTV

Theo đó, trách nhiệm thuộc về Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng của đơn vị; Trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011 (hiện nay – thời điểm 2018 là Phó Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh); Nhân viên của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tóc Tiên năm 2011 (hiện nay – thời điểm năm 2018 là Phụ trách Trạm Bảo vệ rừng Phước Thuận) trong việc lập biên bản.

Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), trong quá trình quản lý rừng đã kiểm tra lập biên bản và ban hành nhiều Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, chùa chỉ chấp hành hình phạt chính là nộp tiền, riêng việc yêu cầu trồng lại một số cây rừng để khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chùa Phật Quang không thực hiện, mà chùa vẫn tiếp tục xây dựng các công trình trên đất.

“Hạt Kiểm lâm không ban hành quyết định cưỡng chế để tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hạt Kiểm Lâm huyện Tân Thành chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng, dẫn đến việc chùa nhiều lần chặt phá cây rừng để xây dựng nhiều công trình diễn ra trong thời gian dài và ngày càng phức tạp”, trích trong kết luận thanh tra.

Được biết, sau kết luận thanh tra năm 2018, UBND thị xã Phú Mỹ đã ra quyết định xử lý kỷ luật 8 cá nhân và 2 tổ chức liên quan nhưng sau đó tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lại có đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho khu vực vi phạm nêu trên.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Nguyễn Thừa

Theo: Báo Công Thương