Ai Cập là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Bắc Phi

(Banker.vn) 60 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ai Cập tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Bắc Phi.
Brazil là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh Colombia là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh

Sắp diễn ra Hội chợ Intra-African Trade Fair 2023 tại Ai Cập

60 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ai Cập tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Bắc Phi.

Đánh giá về những tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng cho rằng, về kinh tế, Việt Nam và Ai Cập có nhiều thế mạnh bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Cả Việt Nam và Ai Cập đều là những thị trường lớn với hơn 100 triệu dân, có vị trí địa chiến lược quan trọng trên bản đồ thế giới và có thể hỗ trợ nhau để xâm nhập vào những thị trường khu vực lớn hơn.

Ngoài ra, với lợi thế là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cấp độ khu vực, Việt Nam có thể là cầu nối cho hàng hóa và dịch vụ của Ai Cập. Ngược lại, với vị trí đắc địa ở nơi giao nhau của ba châu lục là châu Á, châu Âu và châu Phi, đồng thời là thành viên Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), Ai Cập có thể hỗ trợ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiếp cận các thị trường rộng lớn này một cách hiệu quả.

Việt Nam và Ai Cập ký thỏa thuận hợp tác thương mại lần đầu tiên vào năm 1994 tại Cairo và Phiên họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ giữa hai nước được tổ chức sau đó tại Hà Nội vào năm 1997. Từ đó đến nay, hai nước vẫn duy trì cơ chế hợp tác chặt chẽ thông qua các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ định kỳ; kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ gần đây nhất đã diễn ra tại Hà Nội vào năm 2017. Hai nước đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kỳ họp lần thứ 6 vào thời gian sớm nhất để kiểm điểm, triển khai các thỏa thuận đã ký một cách hiệu quả và thực chất.

Ai Cập là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Bắc Phi
Hàng Việt được giới thiệu tại Hội chợ Thương mại quốc tế miền Nam châu Phi (SAITEX) năm 2022 - Ảnh: Moit

Thị trường châu Phi được biết đến là thị trường rộng lớn với hơn 1,3 triệu người, GDP hơn 3,5 tỷ USD, với lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do nội khối châu Phi, sự kiện này là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, được trao đổi, kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối và bán lẻ của Ai Cập và của rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu tham dự Hội chợ.

Sắp tới đây, nhằm tăng cường hợp tác thương mại, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ai Cập, tại Thủ đô Cairo, Ai Cập sẽ diễn ra Hội chợ Intra-African Trade Fair 2023 (IATF 2023).

Hội chợ Intra-African Trade Fair là Hội chợ Thương mại Quốc tế hàng đầu của khu vực châu Phi được tổ chức từ ngày 9-15/11/2023, nhằm cung cấp thông tin về thị trường và thương mại trong khu vực châu Phi, kết nối giao thương giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu, phân phối và bán lẻ.

IATF 2023 bao gồm triển lãm thương mại và rất nhiều các Diễn đàn thương mại và đầu tư, với sự tham gia của khoảng 75 quốc gia, với hơn 1.600 người tham gia triển lãm và hơn 35.000 người tham dự. Đây là Hội chợ đa ngành, bao gồm rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: nông nghiệp và các sản phẩm nông sản, dệt may, hàng tiêu dùng, y tế và được phẩm, công nghiệp ô tô, chế tạo, năng lượng, khoáng sản, hạ tầng cơ sở, logistics, đổi mới, khởi nghiệp, giáo dục, du lịch, giao thông…

Thắt chặt quan hệ Việt Nam - Ai Cập

Cách đây 60 năm, vào ngày 1/9/1963, Việt Nam - Ai Cập đã long trọng tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Năm 2023 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1/9/1963-1/9/2023).

Trong suốt 60 năm qua, cùng với những tiềm năng về kinh tế, giao lưu và hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nền văn hóa có bề dày lịch sử, giàu bản sắc đã và đang góp phần đưa người dân Việt Nam và Ai Cập xích lại gần nhau hơn. Đáng chú ý, nhiều sinh viên và cán bộ ngoại giao Việt Nam đã được đào tạo tiếng Arab tại Ai Cập đang cùng cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Ai Cập đóng vai trò là cầu nối hữu nghị giữa hai nước.

Trong những năm gần đây, lãnh đạo các cấp của hai nước duy trì các chuyến thăm lẫn nhau. Nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi hồi năm 2017 và chuyến thăm Ai Cập của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi năm 2018. Thông qua những chuyến thăm này, hai nước đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương. Tháng 7/2023 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có chuyến thăm chính thức Ai Cập và tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại thủ đô Cairo.

Đại sứ Nguyễn Huy Dũng nhận định, quan hệ chính trị tốt đẹp và lâu đời giữa hai nhà nước cũng như tình cảm sâu đậm mà nhân dân hai nước dành cho nhau là thế mạnh và nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế trong thời gian tới. Ngược lại, sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương sẽ trở thành cơ sở vững chắc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Trên cơ sở này, nhiều đánh giá của các chuyên gia cho rằng, trong những năm tới, trọng tâm hợp tác giữa hai nước cần đặt vào việc phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; phát huy các thế mạnh của mỗi nền kinh tế; tăng cường giao lưu nhân dân; thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện, chính đảng; chia sẻ với nhau về kinh nghiệm phát triển do Việt Nam và Ai Cập đều trải qua những giai đoạn phát triển khá tương đồng…

Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ truyền thống và hữu nghị. Quan hệ song phương được xây dựng trên nền tảng vững chắc là khát vọng chung giành độc lập, tự do và không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp.

Hà Hương

Theo: Báo Công Thương