Agribank phát triển sản phẩm dịch vụ, bắt nhịp xu thế 4.0

(Banker.vn) Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang bùng nổ và tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không nằm ngoài ảnh hưởng của xu thế mới đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng chú trọng phát triển và hỗ trợ khách hàng tiếp cận với các loại hình dịch vụ ngân hàng số trên nền tảng phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin…

Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới diễn ra vào thế kỷ 18, khi những người công nhân sử dụng hơi nước và máy móc trong sản xuất để thay cho sức người. Sau đó, sự ra đời của điện để sử dụng trong dây chuyền sản xuất và các mô hình sản xuất quy mô lớn là khởi nguồn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Vào những năm 1970, khi máy tính xuất hiện đã tạo ra một loạt sự thay đổi trong cách con người xử lý thông tin, tự động hóa bằng robot, đây chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Hiện tại, chúng ta đang tham gia vào cuộc CMCN 4.0. CMCN 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Agribank tăng cường phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện lợi 
đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng
Kết quả của khảo sát “Dịch vụ ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% trong năm 2015. Theo đó, để có thể thích ứng nhanh chóng với CMCN 4.0, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; trong đó, tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong ngành Ngân hàng. Đặc biệt, NHNN cũng như các ngân hàng quốc nội đã chú trọng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của CMCN 4.0. 
 
Chủ động bắt nhịp xu thế 4.0
 
Xu thế chung của các ngân hàng là sự dịch chuyển kênh phân phối sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn. Và Agribank cũng không nằm ngoài xu thế này khi đã chủ động tích cực đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
 
Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank đã triển khai thêm nhiều sản phẩm, chức năng tiện ích mới phù hợp với CMCN 4.0, như: thanh toán bằng QR Code, Samsung Pay, thanh toán thẻ không tiếp xúc (Contactless) - công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiện ích, gia tăng tính bảo mật và rút ngắn thời gian giao dịch cho chủ thẻ...
 
Agribank hiện có trên 200 sản phẩm dịch vụ được chia thành các nhóm gồm: Nhóm sản phẩm huy động vốn; Nhóm dịch vụ thanh toán trong nước; Nhóm dịch vụ Thẻ; Nhóm dịch vụ Thanh toán quốc tế; Nhóm dịch vụ Kinh doanh ngoại hối; Nhóm dịch vụ Kiều hối; Nhóm dịch vụ Ngân hàng điện tử E-Banking; Nhóm dịch vụ Ngân quỹ và quản lý tiền tệ; Nhóm dịch vụ Ủy thác đại lý; Nhóm sản phẩm dịch vụ liên kết…
 
Bên cạnh đó, Agribank triển khai mở rộng dịch vụ thẻ trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking với tốc độ tăng rất cao, đặc biệt là dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng. Agribank đã triển khai thành công nhiều sản phẩm, chức năng, tiện ích mới trong lĩnh vực thẻ, bao gồm: Triển khai mở rộng chức năng rút tiền bằng mã (Cash by Code); Triển khai mở rộng Chương trình tích lũy điểm thưởng dành cho khách hàng trung thành đối với thẻ tín dụng Agribank; Hoàn thành kiểm tra, lấy chứng chỉ và triển khai mở rộng dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc thương hiệu Visa tại POS Agribank trong toàn hệ thống; Triển khai thí điểm thành công nghiệp vụ phát hành thẻ trả trước vô danh; Hoàn thành triển khai thí điểm dịch vụ tiền gửi trực tuyến tại CDM (ATM đa chức năng); Triển khai dịch vụ bảo hiểm dành cho chủ thẻ quốc tế với nhiều cải tiến trong thông báo chủ thẻ, chứng nhận bảo hiểm,...

Máy CDM - bước tiến mới của Agribank trong việc gia tăng hài lòng của khách hàng 
đối với sản phẩm dịch vụ của Agribank
Đối với nhóm dịch vụ thanh toán trong nước, Agribank phát triển dịch vụ này trên nhiều kênh thanh toán như SMS, Internet Banking, ATM, tại quầy giao dịch, tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng; triển khai thỏa thuận hợp tác tổ chức phối hợp thu ngân sách Nhà nước, bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thu phí, lệ phí của cơ quan quản lý bằng phương thức điện tử với Tổng cục Hải quan; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội thực hiện cải cách thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp mới trên địa bàn để phục vụ thu hộ hóa đơn dịch vụ điện, nước, viễn thông…
 
Bên cạnh phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ, Agribank chú trọng phát triển các kênh phân phối phù hợp với xu thế 4.0, phát triển kênh phân phối qua ATM và EDC/POS, kênh Mobile Banking, Internet Banking, kênh kết nối thanh toán với khách hàng (CMS), kênh ngân hàng lưu động, tổ liên kết, kênh phân phối với các ngân hàng đại lý, đồng thời chuẩn hóa các điểm giao dịch - kênh phân phối truyền thống, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, cải cách thủ tục hành chính…, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận, sử dụng nguồn vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đầu năm 2019, Agribank đã hoàn tất việc triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng thêm 40 CDM mới cho các chi nhánh và điểm giao dịch của Agribank trên toàn hệ thống. Đặc điểm nổi bật của CDM, ngoài các tính năng thông thường như máy ATM, khách hàng có thể trực tiếp gửi tiền mặt vào tài khoản và mở tài khoản tiền gửi trực tuyến (gửi tiền tiết kiệm). Thay vì giao dịch gửi tiền chỉ có thể thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch như trước đây, nay khách hàng có thể gửi tiền 24/7 vào Ngân hàng bất cứ lúc nào. Đây là bước tiến mới của Agribank trong chiến lược tự động hóa các giao dịch ngân hàng, gia tăng tiện ích và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. 
 
Xu hướng CMCN 4.0 bên cạnh việc mang đến những cơ hội mới cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Do đó, Agribank xác định tiếp tục triển khai thành công tái cơ cấu giai đoạn 2, hoàn thiện mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, đảm bảo phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.
 
Theo đó, Agribank đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành các dự án công nghệ thông tin hỗ trợ triển khai sản phẩm dịch vụ như: dự án E- Banking, quản lý quan hệ khách hàng (CRM)…, qua đó, xây dựng nền tảng dịch vụ đa kênh, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Mobile Banking và Internet Banking… Bên cạnh đầu tư cho hệ thống máy móc, phần mềm ứng dụng, Agribank tăng cường chú trọng đầu tư nguồn nhân lực có trình độ làm chủ công nghệ. Tất cả để nhằm giảm thiểu một cách tối đa thủ tục giấy tờ hành chính, thời gian đi lại, tiếp cận và sử dụng dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm dịch vụ của Agribank, hướng đến mục tiêu là ngân hàng hiện đại hàng đầu tại Việt Nam.
 
Tuấn Hưng

Theo Tạp chí Ngân hàng số 24/2020 (Link gốc)
Theo: