ADP và SIP - hai "tân binh" vừa gia nhập HOSE có gì đặc biệt?

(Banker.vn) Trước đó, cổ phiếu ADP và SIP đều đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Sau quyết định của HOSE, thời gian tới, giới đầu tư sẽ chứng kiến cuộc đổ bộ của hai "tân binh" này trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam.
ADP và SIP - hai
HOSE chuẩn bị đón hai "tân binh" giàu tiềm năng lên sàn giao dịch.

Ngày 29/6 mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ban hành hai quyết định về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu đối với ADP của Công ty CP Sơn Á Đông và SIP của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG.

Trước đó, cổ phiếu ADP và SIP đều đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Sau quyết định của HOSE, thời gian tới, giới đầu tư sẽ chứng kiến cuộc đổ bộ của hai "tân binh" này trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam.

Với vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng, số cổ phiếu niêm yết của ADP là hơn 23 triệu đơn vị; còn với SIP, lượng cổ phiếu lưu hành là hơn 90,9 triệu cổ phiếu, tương ứng cho trên 909 tỷ đồng vốn điều lệ.

Sơn Á Đông - dấu ấn nữ chủ Nguyễn Thị Nhung

Theo tìm hiểu, Sơn Á Đông là doanh nghiệp có bề dày năng lực và kinh nghiệm trong ngành công nghiệp sơn Việt Nam. Năm 1970, Sơn Á Đông chính thức thành lập và năm 1976 được quốc hữu hóa với tên gọi Xí nghiệp Sơn Á Đông trực thuộc Công ty Sơn và Mực In - Tổng cục Hóa.

Năm 1980, trên cơ sở hợp nhất Công ty Sơn và Mực In và Công ty Bao bì Hóa chất, Bộ Công nghiệp nặng ra quyết định thành lập Công ty Sơn Chất dẻo trực thuộc Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, trong đó Xí nghiệp Sơn Á Đông là đơn vị thành viên hạch toán kinh tế phụ thuộc.

Năm 2000, căn cứ Quyết định số 40/2000/QĐ-BCN ngày 29/06/2000 của Bộ Công nghiệp, Xí nghiệp Sơn Á Đông được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty CP Sơn Á Đông có vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng.

Tháng 10/2004, Sơn Á Đông tăng vốn lên 30 tỷ đồng và tiếp tục nâng lên mức 50 tỷ đồng (năm 2006) và 64 tỷ đồng (năm 2010). Cũng trong năm 2010, 5 triệu cổ phiếu ADP đã được chấp thuận chào sàn UPCoM vào ngày 2/2 với mức giá 18.700 đồng/cp, và tăng lên 20.000 đồng/cp vào cuối phiên giao dịch đầu tiên (mức tăng khoảng 7%).

Hiện, thị giá của mã (trên sàn UPCoM) kết phiên 29/6 ở mức 18.900 đồng/cổ phiếu với thanh khoản nhỏ giọt chỉ hơn 1.600 đơn vị. Trước tin cập bến HOSE, mở cửa phiên 30/6, cổ phiếu ADP tăng nhẹ lên vùng 20.000 đồng/cp.

ADP và SIP - hai
Sơn Á Đông là thương hiệu sơn được nhiều người biết tới.

Về cơ cấu cổ đông, thời điểm cuối năm 2022, Sơn Á Đông mang đậm nét là doanh nghiệp gia đình của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nhung - nữ doanh nhân sinh năm 1941 có thời gian gắn bó với Sơn Á Đông từ những năm đầu thành lập.

Cụ thể, hiện bà Nguyễn Thị Nhung đang sở hữu 10,06% cổ phần Sơn Á Đông, tương đương hơn 2,3 triệu cổ phiếu ADP; theo sau là ông Trần Bửu Trí - Phó Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc (con rể bà Nhung, sở hữu 11,36% cổ phần); ông Võ Hồng Hà - Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT (con trai bà Nhung, sở hữu 5% cổ phần); bà Võ Thị Bích Ngọc - Thành viên HĐQT (con gái bà Nhung, 2,76% cổ phần); bà Võ Thị Mai Hương (con gái bà Nhung, 1,15% cổ phần)... ngoài ra là các cổ đông cá nhân khác.

Về hoạt động kinh doanh, Sơn Á Đông là số ít doanh nghiệp ngành công nghiệp không bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid, bằng chứng là năm 2020 họ vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, lần lượt đạt 573 tỷ đồng (tăng 4,5%) và 78,5 tỷ đồng (tăng 90%).

Sang năm 2021 - 2022, tình hình kinh doanh của Sơn Á Đông có dấu hiệu chững lại về lợi nhuận, song doanh thu tiếp tục có bước phục hồi và tăng lên sát ngưỡng 600 tỷ đồng, là mức cao trong lịch sử hoạt động, chỉ xếp sau năm lập đỉnh 2016 (hơn 640 tỷ đồng).

SIP - "ông lớn" bất động sản KCN phía Nam

Được biết, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) là một trong số thành viên cốt cán của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp, khu dân cư. SIP được ra đời vào năm 2007, vốn sáng lập đạt 250 tỷ đồng.

Dự án đầu tay của SIP là KCN Đông Nam, chính thức khai thác từ đầu năm 2010; cũng trong năm này, SIP đưa tiếp dự án thứ hai là KCN Phước Đông vào hoạt động, tạo nguồn thu bền vững và giàu giá trị cho doanh nghiệp các năm kế tiếp.

Năm 2019, SIP được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng và ít lâu sau được đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM.

Sau nhiều năm phát triển, SIP hiện có vốn điều lệ hơn 900 tỷ đồng, mạng lưới mở rộng lên 9 công ty con, và 3 công ty liên kết phủ sóng trên khắp ngành nghề kinh tế quan trọng như xây dựng, phát triển KCN, khu dân cư, bất động sản, cảng biển và logistics, kinh doanh mủ cao su...

Theo cập nhật mới nhất, nhóm cổ đông lớn của SIP bao gồm Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị An Lộc (nắm giữ 19,77% vốn điều lệ), GVR (nắm 13,59% vốn điều lệ), ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT (nắm 10,04% vốn), Công ty CP KCN Nam Tân Uyên (nắm 9,06%) và ông Lư Thanh Nhã - Tổng giám đốc (nắm 7,36%).

Điểm qua hoạt động kinh doanh, được biết SIP là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận, nổi trội là Việt Nam. Bởi vậy, doanh thu các năm gần đây của SIP đều cần mẫn tăng qua từng năm, lần lượt đạt 4.345 tỷ đồng (2019), 5.088 tỷ đồng (2020), 5.580 tỷ đồng (2021) và 6.030 tỷ đồng (2022).

Lợi nhuận dù có biến động sau khi chiếm lĩnh mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2020, song những thay đổi đó gần như không đáng kể và vẫn thể hiện sự sung túc trong hoạt động của SIP.

ADP và SIP - hai
Đồ thị giá của SIP kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Cũng vì thế, SIP lọt vào top cổ phiếu có thị giá cao nhất toàn thị trường chứng khoán và giữ vững vị trí long trọng suốt thời gian dài. Hiện SIP đứng ở mức 106.000 đồng/cổ phiếu (khép phiên 29/6). Hưởng ứng thông tin lên sàn HOSE, trong phiên sáng 30/6, mã này thu hút đông đảo sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó tăng thêm gần 9% giá trị lên vùng 115.000 đồng/cp.

Năm 2023, SIP lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu hơn 5.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 755 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 25% so với thực hiện trong năm 2022. Cổ tức dự kiến là 10%.

Quý I/2023, SIP ghi nhận doanh thu thần đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi ròng hơn 179 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ và hoàn thành 24% kế hoạch cả năm. Theo giải trình, doanh thu giảm cộng thêm phát sinh khoản chi phí lỗ từ hoạt động thoái vốn tại công ty con và chi phí lãi vay tăng tới 219% khiến lợi nhuận quý I sụt giảm.

Trong năm nay, với dự án KCN Đông Nam, SIP dự kiến tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông đường D16 tới đường Võ Văn Bích của Khu để thu hút đầu tư cho phần diện tích cho thuê đất còn lại; thi công siêu thị Go để kết hợp với việc duy tu và nâng cấp các dịch vụ tiện ích sân tennis, khu chợ, nhà hàng, cây xăng… để phục vụ công nhân trong Khu công nghiệp; và tiếp tục triển khai thi công các nhà xưởng tiêu chuẩn tại lô G6 đến G9, đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với Khu liên hợp Phước Đông - Bời Lời, SIP dự kiến chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 3, tách biệt Khu công nghiệp và Khu đô thị để hoàn thành công tác kiểm kê và nhập liệu kiểm tra hồ sơ, phê duyệt giá, phương án bồi thường và chi bồi thường cho các hộ dân; triển khai thi công khu shophouse tại Khu dân cư Thuận Lợi, dự kiến xây dựng thêm 482 căn nhà Khu Thuận lợi giai đoạn 2 và 20 căn trệt khu Kios kế cây xăng, tiếp tục xây dựng khu biệt thự xây 1 căn hoàn thiện và 11 căn thô, nghiên cứu thiết kế toà nhà 9 tầng đường ĐT 782, xây dựng khu dịch vụ từ 20 đến 25 căn tại đầu cổng ĐT 782.

Thị trường UPCoM giao dịch sôi động trong tháng 4, đón thêm 2 "tân binh"

Chỉ số UPCoM Index đóng cửa tháng 4/2023 đạt 77,77 điểm, tăng 1,32% so với cuối tháng 3/2023.

Kỳ vọng những "tân binh" sẽ giúp sàn HOSE sôi động trở lại

Trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều bất định, một số doanh nghiệp đã lùi kế hoạch niêm yết trên HOSE như chiến ...

Gỡ "nút thắt" để đón các tân binh lên sàn chứng khoán

Việc thị trường Việt Nam khó bứt phá, bên cạnh nguyên nhân dòng tiền trở nên thận trọng, còn tới từ việc thiếu vắng những ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán