ADB: Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ

(Banker.vn) ADB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

ABBank tham vọng đặt mục tiêu lãi tăng đến 68% trong năm 2023

Sacombank chốt room ngoại ở 30%, cổ đông tiếp tục "nhịn" cổ tức

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo về dự báo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng cho biết đại dịch đã làm bộc lộ các vấn đề mang tính cơ cấu, và đây cũng là những rủi ro chủ yếu đối với nền kinh tế.

ADB: Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ
Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Ảnh minh họa

Các chuyên gia tại đây dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024. Ngoài ra, lạm phát dự kiến sẽ tăng lên.

Theo ADB, chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.

ADB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ diều hâu, qua đó có khả năng làm giảm lạm phát do chi phí đẩy từ bên ngoài.

Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tăng, khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ.

ADB cho rằng những yếu tố này khiến Chính phủ vào ngày 7/3 đã chỉ đạo NHNN hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế. NHNN cuối ngày 14/3 thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành. Đợt điều chỉnh lãi suất điều hành khi đó không áp dụng với trần lãi suất huy động.

Sau đó nửa tháng, cuối ngày 31/3, cơ quan này thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5,5% một năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 3/4.

ADB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023.

Cùng với đó, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1/2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.

Hoàng Hà (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục