Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”.
Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng đà tăng sẽ chậm lại (tăng trưởng 3,2 - 3,6%), lạm phát tăng cao (khoảng 6%). Điều này buộc các nước dần thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ, cùng với các rủi ro chính như diễn biến phức tạp của đại dịch vẫn khó lường, chiến sự Nga – Ukraine,...
Với Việt Nam, nền kinh tế dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5 - 6% trong kịch bản cơ sở, nhưng lạm phát sẽ tăng cao khoảng từ 3,8 - 4,2%.
Báo cáo cho biết, bước sang 2022, áp lực lạm phát đã rõ nét hơn. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 0,29% của quý I/2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,81% (cao hơn mức 0,67% cùng kỳ năm trước), chủ yếu do giá xăng dầu tăng, khiến nhóm vận tải, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng giá mạnh, đóng góp đến gần 60% mức tăng CPI quý I.
Cùng với đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với 4 rủi ro, thách thức từ nội tại, cụ thể: Áp lực giá cả, lạm phát đang gia tăng; Hoạt động bán lẻ và dịch vụ phục hồi, song sức cầu vẫn còn yếu; Giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng; và Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Song, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ phục hồi mạnh hơn nhờ độ bao phủ vắc xin, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch phù hợp và kinh nghiệm ứng phó dịch của toàn xã hội.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào ba yếu tố chính, gồm: Thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch; Thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; và Giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraina.
Nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022-2023 theo ba kịch bản. Với kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5-6% năm 2022 và 6,5-7% năm 2023. Với kịch bản tích cực, tăng trưởng có thể đạt 6-6,5% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023. Trong khi đó, với kịch bản tiêu cực, tăng trưởng chỉ đạt 4,5-5% năm 2022 và 6-6,5% năm 2023.
Cơ sở của những kịch bản này được tính toán dựa trên giả định giá xăng dầu năm 2022 tăng khoảng 30-40% và giải ngân Chương trình phục hồi chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023 (Kịch bản cơ sở). Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng đáng kể.
Cụ thể, thâm hụt xuất nhập khẩu xăng dầu có thể lên đến 9 tỷ USD (từ mức 6,3 tỷ USD năm 2021). CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8 - 1 điểm %, lên mức 3,8 - 4,2%. GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1 - 1,2 điểm %. Khi đó, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,5 - 6% và có thể thấp hơn, ở mức 4,5 - 5% nếu kịch bản tiêu cực xảy ra.
Điều này tạo thêm thách thức cho bài toán phục hồi kinh tế của Việt Nam như đã nêu trong Nghị quyết của Quốc Hội, Chính phủ và Chương trình phục hồi.
Cũng với kịch bản cơ sở, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo tăng trưởng ở mức 14 - 16%, ước đạt 740 - 750 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dự báo đạt khoảng 372 - 380 tỷ USD (tăng 15 - 17%), nhập khẩu dự báo đạt 366 - 372 tỷ USD, tăng 13 - 15% so với năm 2021.
Đồng thời, vốn FDI đăng ký dự báo sẽ đạt khoảng 30 - 32 tỷ USD (tăng khoảng 5%); FDI thực hiện sẽ đạt 23 - 25 tỷ USD (tăng khoảng 10-15%).
Phương Thảo
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|