ACBS: Long Châu là động lực tăng trưởng của FRT trong năm 2023

(Banker.vn) Theo CTCK ACB (ACBS), áp lực lạm phát ở một số sản phẩm cùng với tình hình kinh tế thế giới bất ổn có thể ảnh hưởng sức mua của người tiêu dùng trong năm 2023. ACBS dự phóng tăng trưởng doanh thu thuần và LNST của FRT trong năm tới lần lượt là 18,4% và 9,1% so với cùng kỳ. Với giả định 300 cửa hàng mới được mở trong năm 2023, ACBS cho rằng Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng của công ty với mức tăng trưởng doanh thu và LNST kỳ vọng là 47% và 81%, trong khi FPT Shop được giả định tăng trưởng một chữ số.

Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) công bố doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2022 (9T2022) đạt 21.708 tỷ đồng tăng 54,9% so với cùng kỳ (svck) năm trước. Trong đó, doanh thu chuỗi FPT Shop đạt 15.233 tỷ đồng, tăng 32,3% svck, với 98 cửa hàng mở mới, nâng số cửa hàng đang hoạt động lên 745 vào cuối tháng 9/2022 (cuối 2021 có 647 cửa hàng).

Sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm, doanh thu laptop đã chậm lại trong Quý 3 (giảm 35% svck) so với nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu các sản phẩm khác, trong đó điện thoại và các sản phẩm Apple chiếm phần lớn, tăng 114,5% trong quý 3 và 42,6% trong 9T2022.

ACBS: Long Châu
Nguồn: ACBS

Doanh thu Long Châu tăng 159% svck đạt 6.562 tỷ đồng. ACBS ước tính doanh thu bình quân mỗi cửa hàng theo quý là 3,2 tỷ đồng trong Q3/2022 sau khi chạm mức 3,95 tỷ đồng trong Quý 1/2022 do nhu cầu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe/thuốc tăng cao trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

Tính đến cuối Qúy 3/2022, Long Châu có 800 cửa hàng đang hoạt động (cuối 2021 có 400 cửa hàng) ở 63 tỉnh/thành, so với 1.071 cửa hàng Pharmacity (63 tỉnh/thành) và 529 cửa hàng An Khang (33 tỉnh/thành). Trong khi Long Châu đã bắt đầu có lãi từ 2021, Pharmacity và An Khang vẫn chưa.

Về lợi nhuận, FRT ghi nhận 301 tỷ đồng LNST trong 9T2022, tăng 177,5% svck, nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng (từ 13,4% trong 9T2021 lên 15,5% trong 9T2022) mặc dù tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu thuần tăng (13,7% trong 9T2022 so với 12,8% trong 9T2021) và lợi nhuận tài chính chuyển từ 34 tỷ đồng trong 9T2021 thành âm 39,1 tỷ đồng trong 9T2022 (chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 69%).

ACBS: Long Châu
Nguồn: ACBS

Long Châu ghi nhận khoảng 34 tỷ đồng LNST trong 9T2022 (9T2021 đạt 1,3 tỷ đồng), mặc dù phần lớn (31 tỷ đồng) được ghi nhận trong Quý 1 cùng với sự gia tăng doanh thu do nhu cầu về thuốc/sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng cao khi dịch COVID-19 sự bùng phát.

ACBS ước tính biên lợi nhuận gộp của Long Châu đạt 22,8% trong 9T2022, so với 19,3% trong 9T2021. Biên lợi nhuận gộp Long Châu tăng vọt lên mức 24,4% trong Quý 1/2022 nhờ tỷ trọng các sản phẩm có biên lợi nhuận cao (vd: thực phẩm chức năng) tăng khi dịch COVID-19 bùng phát, sau đó trở về mức bình thường trong Q2-Q3 khi dịch COVID lắng xuống. Ngoài ra, khả năng thương lượng tốt hơn do quy mô ngày càng lớn đã và sẽ là một yếu tố quan trọng giúp Long Châu mở rộng biên lợi nhuận này.

Cho cả năm 2022, ACBS dự phóng doanh thu thuần và LNST của FRT lần lượt là 29.673 tỷ đồng, tăng 31,9% svck và 401 tỷ đồng, giảm 9,6% svck. Chuỗi FPT Shop có thể khó vượt qua được kết quả cao của Quý 4 năm trước trong khi Long Châu có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp trong kết quả chung với giả định 100 cửa hàng mở mới trong Quý 4/2022.

Nhìn về 2023, áp lực lạm phát ở một số sản phẩm cộng với tình hình kinh tế thế giới bất ổn có thể ảnh hưởng sức mua của người tiêu dùng, mặc dù tác động có thể khác nhau ở các phân khúc người tiêu dùng và nhóm sản phẩm khác nhau.

ACBS dự phóng tăng trưởng doanh thu thuần và LNST của FRT lần lượt là 18,4% và 9,1% svck cho năm 2023. Với giả định 300 cửa hàng mới được mở trong năm 2023, ACBS cho rằng Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng của công ty với mức tăng trưởng doanh thu và LNST kỳ vọng là 47% và 81% svck, trong khi FPT Shop được giả định tăng trưởng một chữ số.

Lãi suất cho vay tăng có thể là một áp lực cho lợi nhuận của FRT, mặc dù công ty có tỷ lệ chi phí lãi vay ròng trên nợ ròng trung bình tương đối thấp trong những năm gần đây (-4,4% trong 2021, 5,4% trong 2020, 3,8% trong 2019). FRT ghi nhận nợ ròng là 2.499 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn) tính đến tháng 9/2022 (so với mức 1.562 tỷ đồng vào cuối năm 2021).

Biến động tỷ giá hối đoái có thể không tác động đáng kể đến các khoản nợ của FRT vì nợ bằng ngoại tệ chỉ chiếm 6% tổng nợ vay ngân hàng của công ty. Tuy nhiên, những biến động này có khả năng tác động bất lợi lên biên lợi nhuận gộp của chuỗi FPT Shop do phần lớn sản phẩm được nhập khẩu.

Kết hợp phương pháp định giá DCF (đã cập nhật mức chi phí vốn thay đổi từ 12,6% lên 16,1%), P/E và EV/doanh thu, giá mục tiêu của ACBS cho cổ phiếu FRT là 76.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng tỷ suất lợi nhuận vào cuối năm 2023 là 18,4%.

Kết hợp phương pháp định giá DCF, P/E và EV/doanh thu, ACBS đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu với giá mục tiêu 76.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời kỳ vọng 18,4% cho năm 2023.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Nguyễn Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục