ACBS: Cổ phiếu ngân hàng đang ở mức định giá thấp nhất lịch sử, cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

(Banker.vn) Theo ACBS, mặc dù lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong những quý sắp tới, nhưng mức định giá cổ phiếu ngân hàng đang thấp nhất lịch sử khiến cổ phiếu ngành này là cơ hội đầu tư tốt cho các nhà đầu tư dài hạn.

VDSC: Tăng trưởng huy động và cung tiền thấp nhất trong nhiều năm

Ngân hàng Nhà nước siết loạt biện pháp ngăn chặn cá độ mùa World Cup

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng vừa phát hành, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.

Tại ngày 23/11/2022, ngành ngân hàng được giao dịch ở P/E là 7,1 lần và P/B là 1,3 lần, tương đương với vùng đáy COVID-19 đợt 1 vào tháng 3/2020. Mức định giá này thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010 – 2022.

Cổ phiếu ngân hàng là cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Ảnh minh họa
Cổ phiếu ngân hàng là cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Ảnh minh họa

Mặc dù đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và 6 tháng năm 2023, tuy nhiên, với định giá đang ở mức thấp, ACBS đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích nhận định các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.

ACBS cũng chỉ ra rủi ro giảm giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngắn hạn gồm: (1) tình trạng dòng vốn bị tắc nghẽn kéo dài gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và làm nợ xấu tăng cao đột biến; (2) Lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao khiến FED phải tăng mạnh lãi suất đồng USD và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nguồn: ACBS
P/E và P/B ngành ngân hàng. Nguồn: ACBS

Đối với triển vọng kinh doanh quý IV/2022 và năm 2023, ACBS cho biết lãi suất liên ngân hàng tăng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng vay ròng liên ngân hàng như Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, MSB và LienVietPostBank.

Theo ACBS, chất lượng tài sản ổn định trong quý III/2022 nhưng có dấu hiệu suy giảm kể từ quý IV/2022. Các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và một số doanh nghiệm phải mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro nợ xấu và trích lập dự phòng cho các ngân hàng có tỷ trong cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao như Techcombank, MB, VPBank và TPBank.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng đang tích cực làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu phát sinh (nếu có).

Về kết quả kinh doanh quý III/2022, lợi nhuận trước thuế các ngân hàng trên sàn HOSE tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ nhưng giảm 3% so với quý II. Trong đó, thu nhập lãi thuần quý III tăng trưởng 31,4% so với cùng kỳ và tăng 5,5% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng cao và NIM ổn định

Nguồn: ACBS
Nguồn: ACBS

Thu nhập ngoài lãi quý III tăng 17,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 15,2% so với quý trước do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Nợ tái có cấu do COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm chỉ còn chiếm 0,4% tổng dư nợ. Nợ tái cơ cấu chuyển sang nhóm nợ thấp hơn khiến tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng nhẹ trong quý III, lần lượt 7 và 22 điểm cơ bản.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục