ACB thoát bóng “bầu” Kiên

(Banker.vn) Các khoản nợ liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (cựu lãnh đạo ACB) không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính của Ngân hàng kể từ năm 2018, giúp lợi nhuận được cải thiện vì không phải trích lập dự phòng cao như trước.

Ngày 6/4/2021, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.602 tỷ đồng, tăng 10,5%; lợi nhuận sau thuế 8.481, tăng 10,4%; tổng tài sản tăng 10%; quy mô tín dụng và tiền gửi khách hàng tăng 9% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Đồng thời, ACB lên kế hoạch chia cổ tức năm 2020, tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu (hơn 540 triệu cổ phiếu), qua đó nâng vốn điều lệ lên 27.019 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý III/2021.

Trước đó, ông Kiên vướng vòng lao lý năm 2012 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ACB trong một thời gian dài và phải đến năm 2018, lợi nhuận mới vượt qua năm 2011, đạt 6.389 tỷ đồng. Cũng năm 2018, các khoản nợ liên quan đến ông Kiên không còn xuất hiện trong báo cáo tài chính.

Kết quả kinh doanh của Ngân hàng tiếp tục được cải thiện trong 3 năm gần đây, vì không còn phải trích lập dự phòng cao cho các khoản nợ xấu liên quan đến 6 công ty của ông Kiên như giai đoạn 2012 - 2017 (thời điểm cuối năm 2012, khoản dư nợ liên quan đến ông Kiên là hơn 7.400 tỷ đồng).

Năm 2020, thu nhập lãi thuần của ACB tăng 20,4%, đạt 14.582 tỷ đồng, chiếm hơn 80% tổng nguồn thu. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tăng lần lượt 59,7% và 121,4%. Đáng chú ý, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư đạt 732 tỷ đồng, gấp gần 126 lần năm 2019. Giá trị chứng khoán đầu tư do Ngân hàng nắm giữ đạt gần 63.400 tỷ đồng, tăng 13,3%.

Hoạt động dịch vụ mang về 1.695 tỷ đồng lãi thuần. Tổng thu nhập hoạt động của ACB đạt 18.161 tỷ đồng, tăng 12,8%. Lãi thuần ngân hàng đạt gần 10.537 tỷ đồng, tăng 35,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% và vượt 25,7% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.683 tỷ đồng, tăng 27,8%. Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160%, mức cao thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank.

Năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lợi nhuận của ACB có thể tăng 22,7% so với năm 2020, với nhận định tăng trưởng tín dụng 15%, chất lượng tín dụng được kiểm soát, thu nhập lãi ròng tăng 22%, thu nhập ròng từ phí tăng trên 30%... Đối với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), ngoài 567 tỷ đồng phí trả trước (trải đều cho 15 năm) do Sunlife thanh toán, ước tính hoa hồng bảo hiểm cho ACB sẽ tăng 35%.

Theo báo cáo quản trị năm 2020 của ACB, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị đang sở hữu 74,07 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ. Bà Đặng Thu Thủy, thành viên Hội đồng quản trị nắm giữ 28,82 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,19%. Các doanh nghiệp của gia đình ông Huy là Đầu tư Thương mại Giang Sen nắm giữ 38,86 triệu cổ phiếu (1,8%), Đầu tư Thương mại Vân Môn nắm giữ 21,48 triệu cổ phiếu (0,99%), Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm giữ 27,05 triệu cổ phiếu (1,25%).

Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức tháng 4/2018, sở hữu của nhóm ông Nguyễn Đức Kiên tại ACB đạt trên 10%. Trong đó, ông Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu, bà Đặng Ngọc Lan sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu. Dù sở hữu hơn 10% cổ phần, song tác động của nhóm ông Kiên tới ACB giảm dần, các cá nhân này không còn giữ vị trí nào trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành hay Ban kiểm soát.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán