Tỷ lệ nợ xấu vượt qua ngưỡng 3% sẽ làm ABBank bị giới hạn nhiều hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh giai đoạn kế tiếp. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) ghi nhận 84.020 tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 30/6/2023, tăng 2,4% so với đầu năm.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng của ABBank cho thấy xu thế đi xuống đáng quan ngại; trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt 1.385 tỷ đồng, tăng 2,5 lần sau nửa đầu năm; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng hơn 3 lần lên 1.311 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% xuống mức 1.123 tỷ đồng.
Xét về giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu nội bảng của nhà băng này đạt mức 3.820 tỷ đồng, tăng 1.454 tỷ đồng (tương đương tăng 61,5%) so với hồi đầu năm.
Giữa bối cảnh dư nợ tín dụng tăng khiêm tốn, việc tổng giá trị nợ xấu tăng vọt khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ABBank "nhảy dựng" lên mức 4,5%, tương đương tăng 1,6 điểm % trong 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu vượt qua ngưỡng 3% sẽ làm ABBank bị giới hạn nhiều hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh giai đoạn kế tiếp.
Bên cạnh đó, điểm đáng lưu tâm là nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ABBank tính đến ngày 30/6/2023 tăng 85% so với đầu năm lên 3.071 tỷ đồng. Dù nợ nhóm 2 chưa phải là nợ xấu, nhưng có thể nhận thấy nguy cơ chuyển nợ xấu tại ngân hàng trong tương lai nếu không có giải pháp quản lý, xử lý ngăn ngừa kịp thời, hiệu quả.
Không chỉ gặp tình trạng "phình to" nợ xấu, tình hình kinh doanh của ABBank trong 6 tháng đầu năm cũng diễn biến trầy trật. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.566 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 30% về 471 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 73% còn 70 tỷ đồng.
Dù lãi từ hoạt động dịch vụ, từ mua bán chứng khoán đầu tư 6 tháng đầu năm có sự cải thiện, song là chưa đủ để vá lấp hao hụt cho các nguồn thu chính yếu của ABBank.
Kết quả, lợi nhuận thuần của ngân hàng trong 2 quý đầu năm giảm 20% so với cùng kỳ 2022, đạt 1.493 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, do nợ xấu nội bảng tăng "phi mã", ABBank phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ lên 814 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 541 tỷ đồng, thấp hơn 60% kết quả thực hiện trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.
Lợi nhuận sụt giảm đưa ABBank càng xa kế hoạch được ĐHĐCĐ giao phó, khi chỉ hoàn thành 24% chỉ tiêu sau nửa chặng đường.
Nhìn chung, nợ xấu càng tăng cao buộc số tiền ABBank phải trích lập dự phòng rủi ro càng lớn, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của ngân hàng; và đặt ra thách thức về công tác thu hồi, xử lý nợ xấu. Vậy đâu là nguyên nhân đẩy nợ xấu tại ABBank tăng lên trong thời gian qua?
Không thể phủ nhận yếu tố khách quan đang tác động đến tình hình nợ xấu của ABBank, tiêu biểu là sự trầm lắng của nền kinh tế, của thị trường bất động sản; hay như sức khỏe của doanh nghiệp đang suy giảm sau thời kỳ dịch bệnh và lạm phát...
Tuy nhiên, cũng có quan điểm rằng chính "khẩu vị" ưa thích rủi ro là yếu tố chủ quan gây nên thực trạng "kém vui" tại ABBank. Luồng quan điểm xuất phát từ những băn khoăn khi theo dõi và quan sát năng lực của những đối tác thân thiết với ABBank.
Đơn cử là Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) - chủ đầu tư dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) có quy mô 480ha, tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Vạn Hương Investoco thành lập năm 2010, là tổ chức có nhiều quan hệ tín dụng với ABBank. Từ năm 2019, Vạn Hương Investoco đã lập nhiều hợp đồng thế chấp quyền lợi từng phần của dự án Đồi Rồng cho phía ABBank. Một số dự án thành phần khác cũng được Vạn Hương Investoco đem gán cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank, nhằm đảm bảo cho các khoản tín dụng vài trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, với sự giúp sức của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), Vạn Hương Investoco cũng tiếp cận dễ dàng hơn dòng vốn "khủng" thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Phối cảnh dự án dự án Đồi Rồng của Vạn Hương Investoco. |
Ước tính, từ năm 2019 đến nay, Vạn Hương Investoco đã phát hành 9 lô trái phiếu có tổng trị giá hơn 7.000 tỷ đồng. Các thương vụ huy động trái phiếu đều do ABBank và ABS đứng ra thu xếp.
Nhờ đó, Vạn Hương Investoco trong 5 năm trở lại đây "hút" lượng lớn vốn vay, thể hiện qua số nợ phải trả tăng "thần tốc" từ 162 tỷ đồng (2018) lên 17.488 tỷ đồng (2022); tổng nợ vay tăng từ 114,1 tỷ đồng (2018) lên 13.400 tỷ đồng (2022). Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu "đòn bẩy" của doanh nghiệp phát huy hiệu quả, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và ngày một trở nên lớn mạnh.
Tuy nhiên, việc dự án trọng điểm Đồi Rồng qua nhiều năm chưa hoàn thiện giúp chủ đầu tư ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, Vạn Hương Investoco đang lâm vào cảnh nợ nần và không loại trừ nguy cơ bị quật ngã vì chính "đòn bẩy" của mình.
Theo đó, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Vạn Hương Investoco đạt 3.018 tỷ đồng, tương ứng 1 đồng vốn đang "cõng" gần 6 đồng nợ; cùng thời điểm, doanh nghiệp "ôm" lỗ lũy kế 31,8 tỷ đồng. Lỗ lũy kế là hệ quả sau nhiều năm không phát sinh doanh thu thuần, và doanh thu tài chính cũng chỉ "lác đác" vài trăm triệu đồng.
Thu không đủ chi làm chủ đầu tư dự án Đồi Rồng thường xuyên báo lỗ qua các năm. Nếu dự án không sớm đi vào hoạt động, áp lực tài chính đối với doanh nghiệp sẽ ngày một tăng, kéo theo rủi ro cho các "chủ nợ" như ABBank.
Hiện, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vạn Hương Investoco là ông Phạm Ngọc Tuân. Vợ ông Tuân - bà Trần Kim Khánh là Thành viên HĐQT ABS. Đáng nói, cả hai vợ chồng ông Tuân bà Khánh đều là những nhân sự cấp cao của một tập đoàn lớn liên hệ mật thiết với ABBank. Thông qua ABBank, tập đoàn này liên tục mở rộng quy mô hoạt động nhờ nguồn vốn tài chính dồi dào, trở thành "đế chế" đa ngành tiếng tăm của Việt Nam... |
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|