74% số người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp qua tài khoản cá nhân

(Banker.vn) Đến tháng 9, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại đô thị.
Chi trả chế độ bảo hiểm xã hội – khắc phục những lỗ hổng Thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng

Sáng 27/9, thông tin về kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, có khoảng 74% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (vượt 14% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg).

74% số người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp qua tài khoản cá nhân
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Ảnh minh hoạ

Riêng đối với chế độ hàng tháng qua tài khoản cá nhân trên toàn quốc có sự phát triển vượt bậc, từ 40% vào tháng 3/2024 đến 60% vào tháng 8/2024.

Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Tĩnh (99%), Hà Nội (98%), Bắc Ninh (93%), Bình Dương (91%),...

Thời gian qua, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng” và Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 có mục tiêu: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt”, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch; hàng năm thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp,…

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, cùng với việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không ngừng hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm, nhằm phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng. Qua đó, dữ liệu của người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được đồng bộ, cập nhật thường xuyên với cơ sở dữ liệu về dân cư, giúp tăng cường hơn nữa độ chính xác, giúp chi trả đúng người; tiến tới cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục