68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bức tranh kinh doanh rực rỡ của doanh nghiệp y tế trên sàn

(Banker.vn) Năm 2022, trước nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch, các doanh nghiệp y tế, dược phẩm đã nắm bắt cơ hội để cùng thu hoạch "trái ngọt", cùng lấy lại phong độ sau giai đoạn tạm chững vì Covid.
68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bức tranh kinh doanh rực rỡ của doanh nghiệp y tế trên sàn
Nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch là nguyên nhân chính thúc đẩy doanh nghiệp đua nhau báo lãi "khủng".

Hôm nay (27/2) là ngày kỉ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh sự cống hiến không biết mệt mỏi, không kể ngày đêm của các y, bác sĩ và những cán bộ, nhân viên đang làm việc trong ngành y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Cùng với đó, sẽ là thiếu sót lớn nếu không vinh danh những đóng góp tận tụy, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cho cộng đồng - họ là những người đã chung tay cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe đồng bào từ rất lâu về trước.

Hiện, thống kê cho thấy, có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, dược phẩm đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Theo quan sát, năm 2022 vừa qua là năm kinh doanh đầy lạc quan của nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhà đầu tư, Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) vẫn luôn được xem là "ông lớn" trong mảng dược phẩm với quy mô đầu ngành, thường xuyên đứng đầu trong cuộc đua báo lãi các năm, và 2022 cũng không phải ngoại lệ. Tính riêng ba tháng cuối năm 2022, DHG đã đạt doanh thu hơn 1.330 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 235 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 66% so với cùng kỳ năm 2021.

DHG giải thích, kết quả này có được nhờ việc kiểm soát tốt chi phí, dòng tiền, đồng thời tăng sản lượng, tồn kho nguyên liệu/thành phẩm giá thấp và tăng năng suất lao động cùng hiệu quả đầu tư, qua đó cải thiện đáng kể mức lợi nhuận thu về.

Sự tăng trưởng trải đều trong cả 4 quý của năm, giúp cho DHG khép lại 2022 với lợi nhuận sau thuế chạm ngưỡng 990 tỷ đồng, cao hơn 27% so với kết quả năm trước, vượt 30% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao phó.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DHG hiện đứng ở vùng giá 97.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 12.800 tỷ đồng, thuộc top đầu trong "làng" dược phẩm, y tế.

2022 cũng là năm "đại thắng" của Traphaco (HOSE: TRA), kết quả đầy ấn tượng khi đạt doanh thu gần 2.400 tỷ đồng, thu lãi ròng 269 tỷ đồng, đều tăng trưởng 11% so với năm trước. TRA đã hoàn thành vượt 2,2% kế hoạch doanh thu và 2,5% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Tương tự, Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) cũng đã trải qua năm kinh doanh rực rỡ khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Theo đó, IMP công bố doanh thu năm 2022 đạt 1.640 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 230 tỷ đồng, tăng 30% và 24% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng của IMP đến từ chiến lược mở rộng thị trường, kết thúc các chương trình bán hàng, cũng như cơ cấu lại danh mục bán ra, và tập trung vào các sản phẩm chủ lực có biên lợi nhuận cao.

Tựa như các doanh nghiệp khác, IMP cũng cho rằng việc thị trường bước sang giai đoạn hậu Covid là nhân tố giúp doanh nghiệp dược phẩm lấy lại "phong độ" của mình.

Tiếp nối, không ít các doanh nghiệp y tế khác cũng có năm kinh doanh thuận lợi. Chẳng hạn Xuất nhập khẩu y tế Domesco (HOSE: DMC) báo lãi 200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021 và lấy lại mặt bằng lợi nhuận trước dịch; SPM (HOSE: SPM) ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng mạnh và là mức cao nhất từ năm 2015 tới nay.

Trong khi đó, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên - bệnh viện quốc tế hiếm hoi có trụ sở tại tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đang niêm yết với mã chứng khoán TNH, cũng thu về trên 140 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022; và 463 tỷ đồng doanh thu, tăng thêm hơn 51 tỷ đồng so với năm trước.

Số liệu của TNH cho biết, năm 2022, doanh nghiệp đón hơn 400.000 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh, trên 40.000 lượt số bệnh nhân điều trị nội trú tại hai bệnh viện của TNH tại Thái Nguyên.

Với 2 cơ sở bệnh viện, tổng 600 giường bệnh và 1.300 dịch vụ y tế, TNH đã trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh được tin cậy tại Thái Nguyên. Công suất sử dụng giường của 2 bệnh viện đạt trung bình 96%.

Mới đây, TNH đã khởi công Bệnh viện Việt Yên, Bắc Giang với quy mô 300 giường bệnh. Đây là khu vực có nhiều khu công nghiệp lớn hoạt động, nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, công nhân rất cao nên hứa hẹn là nguồn tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp.

Ngoài bệnh viện Việt Yên, Bệnh viện TNH Lạng Sơn là một trong những dự án quan trọng TNH triển khai trong năm 2023.

Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ thuốc và các sản phẩm kháng sinh, phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch tăng mạnh sau dịch là nguyên nhân chính thúc đẩy doanh nghiệp đua nhau báo lãi "khủng". Ngoài ra, việc chủ động trong khâu tổ chức, điều hành, và nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ cũng là những yếu tố đóng góp lớn cho bức tranh sáng màu.

Bên cạnh nhu cầu tăng lên, ngành dược nhận được trợ lực lớn từ hệ thống nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử).

Kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc. Điều này có thể dễ quan sát thông qua sự mở rộng mạng lưới mạnh mẽ của hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm trong năm vừa qua. Theo kế hoạch, tổng số nhà thuốc của ba chuỗi bán lẻ này có thể lên đến con số 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần.

Trong thời gian tới, cạnh tranh trong phân khúc đấu thầu thuốc chất lượng cao sẽ gay gắt. Nhóm phân tích của CTCK KIS cho biết, sau khi thông tư 15/2019 có hiệu lực từ năm 2019, các công ty sản xuất dược nội địa bắt đầu cuộc chạy đua xây dựng dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP.

Tuy nhiên, theo trang web GMPC Việt Nam công bố ngày 13/9/2022, chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đạt chuẩn EU-GMP, trong đó chỉ có Imexpharm là doanh nghiệp niêm yết nội địa và có đến 8 doanh nghiệp FDI.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục