60% doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ ăn uống tại TP. Hồ Chí Minh đã hoạt động lại

(Banker.vn) Thông tin được Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại buổi họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP. Thủ Đức về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố (TP), do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra ngày 13/11.

Đề xuất tất cả hàng quán được phục vụ đồ uống có cồn

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ - cho biết, đến nay có khoảng 60% doanh nghiệp (DN) cơ sở phục vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố (TP) đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10/2021.

Liên quan đến việc thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại các quán ăn ở TP. Thủ Đức và quận 7, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, hai địa phương này đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời TP. Thủ Đức và quận 7 cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Xét các yếu tố về bao phủ vắc xin, sức khỏe tinh thần, Sở Công Thương đã lấy ý kiến của một số chuyên gia. Từ đó nhận thấy, việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Do đó, Sở Công Thương kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn TP được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày… UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn.

Đồng quan điểm với Sở Công Thương, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ý thức của người dân và DN cũng tăng cao. Do đó, TP. Hồ Chí Minh có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống kèm theo sử dụng đồ uống có cồn.

   Có khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống tại TP. Hồ Chí Minh đã hoạt động lại sau ngày 1/10/2021

Trong khi đó, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP cũng cho rằng, thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh nên tiếp tục cho thí điểm mở rộng và có kiểm soát hoạt động sử dụng đồ uống có cồn tại hàng quán ăn uống. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng, thí điểm thêm ở một số quận, huyện và có kiểm soát chặt, tuân thủ nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Số ca F0 có xu hướng tăng cao ở một số quận huyện

Thông tin về tình hình dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế TP - cho biết, trong 7 ngày vừa qua, một số địa phương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có số F0 tăng cao, cụ thể là huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 12 và quận Gò Vấp.

Đáng chú ý, trong 6 ngày liên tiếp, số ca Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đều duy trì trên 1.000 ca, trong đó, ngày 12/11 ghi nhận 1.338 ca, tăng 203 so với ngày 11/11. Ghi nhận trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là hai địa phương có nhiều trường hợp dương tính Covid-19.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế TP, số ca dương tính Covid-19 ở huyện Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng quận Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số F0 không cao nhưng có xu hướng tăng là quận 10 và huyện Nhà Bè.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy, số F0 trên địa bàn TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. Số ca dương tính Covid-19 gia tăng trong thời gian qua, nằm trong dự kiến khi TP không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước.

Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát… Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định, tình hình F0 hiện tại của TP. Hồ Chí Minh đang tương tự thời kì đầu TP thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý phải luôn theo dõi sát, có đánh giá, phân tích để có phương án xử lý kịp thời.

Minh Khuê

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục