6 tháng 'đỏ lửa' của TTCK: Trong cả nghìn mã sụt giảm, bất ngờ 1 cổ phiếu tăng 'dựng đứng' gấp 6,3 lần

(Banker.vn) Kết thúc ngày giao dịch 4/11, áp lực bán mạnh trên diện rộng tiếp tục khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Sau hai phiên giao dịch đầu tuần khởi sắc, chỉ số VN-Index trở lại tình cảnh trượt dốc và rơi khỏi ngưỡng 1.000 điểm, quay về vùng đáy 2 năm.
6 tháng 'đỏ lửa' của TTCK: Trong cả nghìn mã sụt giảm, bất ngờ 1 cổ phiếu tăng 'dựng đứng' gấp 6,3 lần

Nếu xét từ vùng đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm thiết lập hồi cuối quý I/2022, VN-Index đã "bốc hơi" đến 33% giá trị chỉ số.

Kết thúc ngày giao dịch 4/11, áp lực bán mạnh trên diện rộng tiếp tục khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Sau hai phiên giao dịch đầu tuần khởi sắc, chỉ số VN-Index trở lại tình cảnh trượt dốc và rơi khỏi ngưỡng 1.000 điểm, quay về vùng đáy 2 năm.

Nếu xét từ vùng đỉnh lịch sử trên 1.500 điểm thiết lập hồi cuối quý I/2022, VN-Index đã "bốc hơi" đến 33% giá trị chỉ số. Diễn biến thiếu tích cực của thị trường bắt đầu xảy ra sau sự kiện bắt giam ông Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng vì những vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chứng khoán, thời điểm đầu tháng 4.

Từ những mã có uy tín, vốn hóa rất cao thuộc dòng Bluechip, cho đến mã giá trị trung bình, thấp như Midcap, Penny cũng đều chung một số phận bi đát. Đặc biệt, không ít mã một thời được tung hô là "siêu cổ phiếu" như DIG, CEO, L14... cùng ngồi chung trên "chuyến tàu Titanic", miệt mài "dò đáy", tạm tính đã giảm đến hơn 80% sau 6 tháng ngắn ngủi.

Giữa bối cảnh khó khăn toàn thị trường, một số mã chứng khoán chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ làm nhà đầu tư hết sức "ngỡ ngàng". Trong nhóm cổ phiếu có màn lội ngược dòng ngoạn mục, sự chú ý đổ dồn về mã chứng khoán EPC của Công ty CP Cà Phê Ea Pốk, quán quân vô địch về tốc độ tăng giá.

Quan sát hồi đầu tháng 4, cổ phiếu EPC cứ đứng mãi ở mức giá 8.600 đồng/cp bởi không phát sinh bất kỳ giao dịch nào. Cổ phiếu này không có tính thanh khoản suốt thời gian dài, và chỉ mới xuất hiện từ cuối tháng 9, với chuỗi tăng trần dài "đằng đẵng".

Khối lượng giao dịch những phiên tăng kịch biên độ chỉ khoảng vài trăm, hoặc cùng lắm là hơn 1.000 cổ phiếu được sang tay, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự minh bạch, thậm chí đồn đoán rằng cổ phiếu này đang bị "thổi giá". Đóng cửa ngày giao dịch 4/11, cổ phiếu EPC đạt mức 54.900 đồng/cp, tương ứng tăng gấp 6,38 lần thị giá cách đây 6 tháng.

Vốn là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, vậy nhưng ban lãnh đạo Cà Phê Ea Pốk không hề thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ theo quy định. Tới nay, Cà Phê Ea Pốk vẫn giữ kín các báo cáo tài chính trong năm 2022, nên nhà đầu tư khó lòng tiếp cận số liệu kinh doanh, hoặc có thể đánh giá năng lực tài chính của Cà Phê Ea Pốk ở thời điểm hiện tại một cách chính xác.

Cơ cấu cổ đông rất cô đặc

Theo tìm hiểu, Cà Phê Ea Pốk tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, có tên gọi Công ty TNHH MTV Cà Phê Ea Pốk, chuyên trồng trọt, chăn nuôi và thu mua cà phê. Năm 2018, Cà Phê Ea Pốk chính thức cổ phần hóa, chuyển đổi sang loại hình Công ty CP và niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Một văn bản của Cà Phê Ea Pốk cho thấy, năm 2015, doanh nghiệp quản lý diện tích đất tự nhiên là 866,96 ha, trong đó diện tích đất trồng cà phê là 715,82 ha. Cập nhật đến năm 2021, diện tích đất cà phê còn 356,81 ha, được giao khoán đến từng hộ gia đình. Hiện Cà Phê Ea Pốk có vốn điều lệ gần 94 tỷ đồng.

Thời điểm 15/7/2022, cơ cấu cổ đông của Cà Phê Ea Pốk rất cô đặc, trong đó Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Hùng là người nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất với 43,45% vốn điều lệ; theo sau là UBND tỉnh Đắk Lắk với 32,19%; Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Dương với 21,45%; chỉ 2,91% cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Về ông Ngô Văn Hùng, được biết ông thường trú ở Hà Nội, là Tiến sỹ kinh tế và có nhiều năm công tác tại Pháp. Ông Hùng từng làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Le DelTa - công ty có ngành nghề chính là bán buôn máy móc, thiết bị y tế và có trụ sở tại dự án nhà ở cho cán bộ cao cấp và cán bộ của Ban Đảng Trung ương, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên giai đoạn 2016-2020, trước thời điểm ngồi ghế nóng tại Cà phê Ea Pốk, từ tháng 5/2020 đến nay.

Thua lỗ 'triền miên'

Quan sát giai đoạn 2015-2018, tức thời điểm Cà phê Ea Pốk chưa được cổ phần hóa, kết quả kinh doanh không có gì nổi bật. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quanh mức 60 tỷ đồng mỗi năm, chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất và bán cà phê. Khấu trừ chi phí và thuế, lợi nhuận ròng hàng năm chưa nổi 3 tỷ đồng.

Hậu cổ phần hóa, các năm 2019-2020, doanh thu của Cà phê Ea Pốk có phần khởi sắc đáng khích lệ, nâng lên ngưỡng 80 tỷ đồng; ngược lại, doanh nghiệp bất ngờ lỗ ngay trong năm 2019 với 8 tỷ đồng; và lỗ nặng đến 19,2 tỷ đồng năm 2021, sau khi có năm 2020 mấp mé thua lỗ (lãi mỏng manh 110 triệu đồng).

Khoản lỗ trên đã khiến tổng lỗ lũy kế "dày" thêm đáng kể, tính đến cuối năm 2021 đã vượt 27 tỷ đồng.

Về cấu trúc tài chính, thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Cà phê Ea Pốk đã giảm 16 tỷ so với đầu năm, về gần 95 tỷ đồng, tập trung lớn vào tài sản cố định (chiếm 65% tài sản), hàng tồn kho (chiếm 23%).

Đối ứng phía nguồn vốn, doanh nghiệp ghi nhận 28 tỷ đồng nợ phải trả, chủ yếu là nợ vay với gần 26 tỷ đồng. Việc thua lỗ "triền miên" đã "ăn mòn" vốn chủ sở hữu, chỉ còn 66 tỷ đồng, thấp hơn 23% so với thời điểm cuối năm 2020.

Tân Mai

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán