6 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu đạt trên 316 tỷ USD

(Banker.vn) Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt 316 tỷ USD sau nửa đầu năm 2023.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 5 khởi sắc, tăng 5,3% Lấy lại đà tăng, xuất nhập khẩu dần khởi sắc Yếu tố nào giúp xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt 618 tỷ USD vào năm 2030?

Xuất khẩu tiếp tục tăng

Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Như vậy, đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.

6 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu đạt trên 316 tỷ USD
Rau quả là mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh thời gian qua

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua. Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6 (1-15/6), kim ngạch xuất khẩu ra quả đạt 361 triệu USD, tăng tới 206,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu tháng 6 còn vượt thủy sản để trở thành nhóm hàng lớn nhất của lĩnh vực nông thủy sản.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả tính từ đầu năm đến 15/6 lên 2,387 tỷ USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 851 triệu USD.

Hiện nay, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng có sự tăng trưởng rất mạnh thời gian qua sau khi được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách “Zero COVID” được thực thi. Đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

Mặc dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do tình hình xuất nhập khẩu còn rất nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu chìm sâu vào lạm phát, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh ở nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng sáu ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.

Tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại

Con số kim ngạch xuất khẩu khởi sắc của tháng 6 cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN). Cụ thể, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay)

Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, với các FTA mà ta đang có thì việc khai thác các FTA vẫn sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.

Tuy nhiên câu chuyện ở đây là để khai thác thị trường có FTA thì chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Câu chuyện về xuất xứ chỉ là quy định nhưng đằng sau nó là câu chuyện thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng.

“Doanh nghiệp của chúng ta có thể bước đầu chưa hiểu rõ về quy tắc xuất xứ và chưa nắm được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên việc thay đổi cơ cấu đầu tư cũng như gia tăng hàm lượng nguyên liệu nội khối trong sản phẩm bằng cách hợp tác với các nước trong khuôn khổ các FTA còn hạn chế. Như vậy việc phổ biến và làm doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề này là trách nhiệm mà Bộ Công Thương thúc đẩy trong thời gian tới” – ông Trần Thanh Hải nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng rất quan tâm để đa dạng hóa nguồn thông tin thị trường cho doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn tin từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương