Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nền kinh tế tuy duy trì được đà phục hồi trong những tháng đầu năm, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng GDP 6 tháng dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần 3 và 4, đã có tác động nhất định đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, khả năng trả nợ của khách hàng đặc biệt trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, hàng không và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn.
Nhiều giải pháp tín dụng đã được triển khai
Trong khó khăn đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, cụ thể:
Thứ nhất, ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021, theo đó đã: Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo dõi sát diễn biến tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, BOT, BT giao thông để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
Trước những diễn biến bất thường của thị trường bất động sản, chứng khoán, ngày 14/4, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng để: (i) triển khai công tác tín dụng các tháng đầu năm 2021; (ii) điều hành chính sách tiền tệ các tháng đầu năm; (iii) đánh giá, nhận diện và cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động tín dụng để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
Thứ hai, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên tinh thần đồng hành và chia sẻ.
Thứ ba, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thứ tư, hỗ trợ và tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, có thể kể đến như: Trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc tiếp tục giải ngân sau ngày 31/12/2020 đối với chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường, phối hợp xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp tín dụng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
"Với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dự kiến đến cuối tháng 6 tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%", ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong 6 tháng đầu năm 2021, cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực (gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế. Dự kiến đến cuối tháng 6, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%; tín dụng DNNVV tăng 3,9%; tín dụng xuất khẩu tăng 9%; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%.
Còn tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
6 tháng cuối năm: Tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro
Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, tập trung một số nội dung trọng điểm sau:
Về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...); Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương đang có dịch đợt 4, cần chủ động đánh giá thiệt hại, khó khăn và đề xuất, kiến nghị; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; Tiếp tục theo dõi tình hình cho vay của TCTD đối với Vietnam Airlines (VNA) và thực hiện giải ngân tái cấp vốn cho TCTD cho vay VNA theo Nghị quyết số 194/NQ-CP của Chính phủ; Tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất cho ảnh hưởng COVID-19 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Về tạo điều kiện để mở rộng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực...
Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm, NHNN cũng sẽ đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG xây dựng nông thôn mới, CTMTQG giảm nghèo bền vững, CTMTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số) theo Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của TCTD, hoạt động bảo lãnh,... để phù hợp với thực tế.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|