5 tháng đầu năm 2024: Xuất khẩu rau quả thu về 2,5 tỷ USD

(Banker.vn) 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 2,5 tỉ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
4 tháng, xuất khẩu rau quả thu về hơn 1,8 tỷ USD nhưng vẫn đối diện với rủi ro cố hữu 4 tháng, xuất khẩu sầu riêng thu về trên nửa tỷ USD Điểm tên những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí cao nhất

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước nhưng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 2,5 tỉ USD tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sầu riêng là một trong loại trái cây chủ lực
Sầu riêng là một trong loại trái cây xuất khẩu chủ lực

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 5 đạt 180 triệu USD tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng qua đạt 816 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 5 tháng qua Việt Nam xuất siêu rau quả gần 1,7 tỉ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - thông tin, thời tiết nắng nóng bất thường khiến năng suất và sản lượng nhiều loại trái cây bị ảnh hưởng. Đặc biệt, mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng khá nhiều về sản lượng do nắng nóng và do không đủ kích cỡ đã làm kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cũng như rau quả nói chung tăng trưởng chậm lại trong tháng 5.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc giảm đến 49% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, nguồn cung sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này tăng 82%.

Tuy nhiên, từ tháng 4 do sầu riêng Việt Nam và Thái Lan vào chính vụ thu hoạch nên nguồn cung đã tăng trở lại. Trong tháng 4, giá sầu riêng Việt Nam bán vào thị trường Trung Quốc đạt 4,22 USD/kg, thấp hơn đến 1,16 USD so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Điều này đã giúp sầu riêng Việt Nam nhanh chóng mở rộng thị phần, nhiều người Trung Quốc được dùng sầu riêng và dùng thường xuyên hơn.

Hiện tại, sầu riêng miền Tây đang vào cuối vụ thu hoạch và các tỉnh miền Đông và phía Nam Tây Nguyên đang chuẩn bị vào đợt thu hoạch rộ. Dự báo, trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng và rau quả có thể tăng mạnh trở lại.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn dẫn đầu nhóm trái cây vào thị trường này cả về sản lượng lẫn giá trị. Đây cũng là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường cho sản phẩm sầu riêng bóc múi đông lạnh sang thị trường Trung Quốc và xuất khẩu sầu riêng quả tươi sang thị trường Ấn Độ. Vấn đề đáng quan tâm của sầu riêng hiện nay vẫn là kiểm soát nâng cao chất lượng, vi sinh vật gây hại, quản lý sử dụng các mã số vùng trồng không để xảy ra các hành vi vi phạm như Trung Quốc đã liên tục cảnh báo.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, từ năm 2023 đơn vị này đã xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để xuất khẩu sầu riêng. Sau hơn 1 năm đàm phán, hiện cơ quan bảo vệ thực vật Việt Nam và Ấn Độ đã chốt được danh mục sâu bệnh gây hại cùng quan tâm để thống nhất giải pháp kiểm soát khi tiến hành xuất nhập khẩu.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương