5 Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023

(Banker.vn) Từ ngày 1/7/2023, 5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

1- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 06 chương, 91 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Việc thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn có một số điểm mới như: Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội...;

Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành;…

Việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp có một số điểm mới như: Bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp; Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; Bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

2- Luật phòng, chống bạo lực gia đình

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022, được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục.

Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng"; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Cùng với đó, điểm mới của Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 là khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, luật còn bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

3- Luật Thanh tra

Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thanh tra năm 2022 thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Luật Thanh tra tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có tất cả 08 Chương và 118 Điều.

Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra năm 2022. Theo Điều 18 thì Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở: Cụ thể tại khoản 2 Điều 26 quy định thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đối với các sở không thành lập Thanh tra sở thì Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở (điểm đ khoản 1 Điều 23)

Ngoài ra, Luật Thanh tra quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên, bỏ quy định cộng tác viên thanh tra; Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên;

Đồng thời, bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2022.

4 - Luật Dầu khí

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào sáng 14/11/2022. Luật Dầu khí năm 2022 bao gồm 11 chương, 69 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 06/7/1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14.

Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí (từ Điều 10 đến Điều 14, Chương II).

Bên cạnh đó, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV); Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan (từ Điều 42 đến Điều 52, Chương V).

Đồng thời, Luật Dầu khí 2022 cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí (Điều 42, Chương V); Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí (các Điều 53 và 54, Chương VI); Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước (Điều 41 Chương IV và Điều 55, Chương VI).

Đặc biệt, Luật Dầu khí 2022 đã tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí (các Điều tại Chương V); phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát (Điều 63, Chương IX). Quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu (từ Điều 60 đến Điều 64), Chương IX)….

5 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động viễn thông

Ngày 09/11/2022, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua gồm 04 Điều, sửa đổi, bổ sung 30 Điều so với Luật Tần số vô tuyến điện. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng.

Luật bổ sung quy định về đặt ra giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần di động công cộng mặt đất mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong một băng tần hoặc trong một nhóm băng tần xác định. Cho phép cấp phép kèm theo điều kiện sử dụng đối với các trường hợp đặc biệt sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch bao gồm: sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.

Đồng thời, Luật làm rõ trường hợp nào thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số thông qua đấu giá, trường hợp nào thông qua thi tuyển, trường hợp nào thông qua cấp trực tiếp. Bổ sung quy định doanh nghiệp phải có cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Khi vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Luật cũng bổ sung quy định cho phép cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép đã cấp hết hiệu lực nếu quy hoạch băng tần không thay đổi các khối đã phân chia và doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có đủ các điều kiện để cấp lại giấy phép theo quy định. Bổ sung khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số mang lại giá trị kinh tế cao theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh; làm rõ các khoản thu từ việc sử dụng tần số vô tuyến điện mà tổ chức, cá nhân được cấp phép phải có nghĩa vụ thực hiện để phù hợp và đồng bộ với pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, phí, lệ phí; sửa đổi các quy định để đảm bảo việc huy động, chỉ huy sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh trong tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia được kịp thời, hiệu quả.

T.H

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục