5 kỹ xảo gian lận báo cáo tài chính phổ biến mà nhà đầu tư cần biết

(Banker.vn) Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc gian lận báo cáo tài chính đã trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch và lòng tin trong lĩnh vực đầu tư. Các công ty, với mục đích cải thiện hình ảnh tài chính, đôi khi không ngần ngại sử dụng những thủ thuật gian lận tinh vi.

Che giấu lãi

Cookie Jar Reserve là một thủ thuật gian lận báo cáo tài chính nhằm "để dành" lợi nhuận bằng cách che giấu phần lãi hiện tại vào các khoản nợ xấu hoặc chi phí không có thật. Với phương pháp này, doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận từ những năm kinh doanh tốt để bù đắp vào các năm khó khăn, tạo ra hình ảnh về một mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Điều này khiến báo cáo thu nhập không còn phản ánh đúng lợi nhuận thực tế của công ty trong từng kỳ.

Các nhà đầu tư, nếu chỉ nhìn vào lịch sử lợi nhuận, có thể dễ dàng bị thu hút và đánh giá cao công ty, bởi họ tin rằng lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định như trước.

Đã xấu còn làm xấu hơn

Take a Big Bath là thuật ngữ kế toán mô tả việc quản lý công ty cố tình làm cho kết quả kinh doanh đã kém trông còn kém hơn. Bằng cách ghi nhận các khoản lỗ lớn trong một năm xấu, công ty có thể tạo điều kiện cho việc báo cáo thu nhập cao hơn trong các năm tiếp theo.

Chiến thuật này thường được áp dụng trong các năm khó khăn, cho phép doanh nghiệp “rửa sạch” bảng cân đối và tăng thu nhập một cách giả tạo trong tương lai. Những CEO mới thường sử dụng chiến thuật này để đổ lỗi cho người tiền nhiệm về hiệu suất kém, đồng thời nhận lấy công trạng cho những cải tiến sau đó.

Khi thu nhập được cải thiện nhờ chiến thuật này, giá cổ phiếu có thể phục hồi và thậm chí tăng cao hơn so với việc không có thao túng kế toán.

Có lãi nhờ doanh thu tài chính

Big bet on the Future – đúng như tên gọi, là cách mà doanh nghiệp đặt cược vào tương lai qua các hoạt động mua bán và sáp nhập công ty. Toàn bộ lợi nhuận kỳ vọng từ tương lai được "đặt cược" vào hiện tại. Điều này có nghĩa là nếu lợi nhuận thực tế trong tương lai đạt kỳ vọng, công ty sẽ có lời; ngược lại, công ty sẽ phải gánh khoản lỗ.

5 kỹ xảo gian lận báo cáo tài chính phổ biến mà nhà đầu tư cần biết
Big bet on the Future – đúng như tên gọi, là cách mà doanh nghiệp đặt cược vào tương lai qua các hoạt động mua bán và sáp nhập công ty.

Có nhiều biến thể của Big bet on the Future, và một dạng phổ biến ở Việt Nam là tăng tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp. Điển hình là trường hợp của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vào quý 1/2017. Khi đó, CII ghi nhận lợi nhuận lên tới 1.200 tỷ đồng, trong khi hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 41 tỷ. Con số này có được nhờ doanh thu tài chính lên đến 1.350 tỷ đồng, phần lớn xuất phát từ thủ thuật Big Bet On The Future.

Cụ thể, CII đã đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty con LGC sau khi tăng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 54% vào ngày 17/02/2017, giúp tạo ra lợi nhuận đột biến. Tuy nhiên, dù khoản lợi nhuận kế toán này tạo kỳ vọng, cổ đông không nhận được cổ tức từ đây.

Xào nấu báo cáo bằng cách giao dịch với bên thứ 3

“Throw out the problem child” là một thủ thuật “xào nấu” báo cáo tài chính phổ biến bằng cách giao dịch với bên thứ ba. Khi một công ty có mảng kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, không có triển vọng cải thiện và làm giảm lợi nhuận chung (the problem child), họ sẽ loại bỏ (throw out) mảng kinh doanh này để cải thiện bức tranh tài chính.

Phương pháp này có thể được thực hiện bằng cách bán đi mảng không hiệu quả, sử dụng công ty SPE, hoặc tách riêng thành một đơn vị độc lập dưới quyền kiểm soát của cổ đông khác.

Tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp nổi bật sử dụng cách thức này. Trên thị trường quốc tế, Lehman Brothers cũng từng là một ví dụ điển hình.

Biến ảo kết quả kinh doanh thông qua công ty con đặc biệt

SPE là một công ty con do công ty mẹ lập ra, có tư cách pháp nhân độc lập và tài sản riêng biệt, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Một trong các mục tiêu của SPE là góp vốn và chiếm dụng tài sản, rút ruột doanh nghiệp – tức là chuyển tài sản từ công ty mẹ vào túi cá nhân. Thường thì công ty mẹ sẽ góp vốn dưới dạng bất động sản hoặc dự án, cho SPE vay hoặc ủy thác cho lãnh đạo thực hiện các khoản đầu tư vào SPE.

SPE cũng có thể tạo lợi nhuận “kế toán” cho công ty mẹ, giúp tránh hủy niêm yết bằng cách vay tiền để mua hàng hóa từ công ty mẹ hoặc tạo lợi nhuận đột biến qua các hoạt động tài chính và bán tài sản.

Ngược lại, SPE cũng có thể tăng chi phí qua việc chuyển giá và giảm nghĩa vụ thuế, thường là bằng cách tăng các chi phí vô hình như bản quyền, marketing, hoặc mua nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ với giá cao. Tuy nhiên, lợi nhuận này chỉ mang tính kế toán, không tạo ra dòng tiền thực.

Ví dụ điển hình là Coca-Cola tại Việt Nam, lỗ trong 10 năm và hiếm khi phải nộp thuế do sử dụng SPE tại các thiên đường thuế như Panama để nhập nguyên vật liệu giá cao, khiến hoạt động kinh doanh liên tục báo lỗ và không chịu thuế.

5 kỹ xảo gian lận báo cáo tài chính phổ biến mà nhà đầu tư cần biết
Coca Cola là một case trốn thuế nhiều năm điển hình

Nhà đầu tư nên làm gì?

Các thủ thuật gian lận tài chính hiện nay rất tinh vi, đòi hỏi nhà đầu tư phải có một quá trình phân tích và thẩm định cẩn thận. Để phát hiện gian lận, bên cạnh việc nắm chắc các yếu tố tài chính, nhà đầu tư cũng cần cập nhật thông tin phi tài chính như sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo và cổ đông lớn của công ty. Khi có sự biến động liên tục về giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, đây có thể là dấu hiệu của bất ổn hoặc che giấu trong nội bộ công ty và cần tìm hiểu nguyên nhân.

Việc phân tích báo cáo tài chính chi tiết là bước cần thiết, nhất là những khoản mục bất thường như doanh thu, chi phí, lợi nhuận đột biến hoặc nợ. Để phát hiện dấu hiệu gian lận, các cổ đông nên tập trung vào so sánh số liệu qua nhiều kỳ, đặc biệt là các chỉ số tài chính cơ bản như vòng quay hàng tồn kho, số ngày phải thu và tỷ lệ lãi gộp. Nhờ đó, họ có thể thấy rõ các bất thường như thời gian thu hồi công nợ kéo dài bất hợp lý, rủi ro nợ xấu không lập dự phòng, hoặc biến động lớn trong số dư tài sản và các khoản nợ tiềm ẩn.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là một chỉ báo đáng tin cậy về tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp, vì khó thao túng hơn lợi nhuận thuần. Nhà đầu tư cũng nên cảnh giác trước các thay đổi về chính sách khấu hao, giao dịch với các bên liên quan, và các khoản thu nhập hay chi phí bất thường – những yếu tố có thể được tận dụng để tạo ra lợi nhuận “kế toán” mà không có dòng tiền thực. Đọc kỹ phần thuyết minh báo cáo tài chính sẽ giúp NĐT nắm được các chi tiết này.

Cuối cùng, tham khảo đánh giá từ các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức tài chính độc lập và cơ quan quản lý cũng giúp nhà đầu tư phát hiện những dấu hiệu gian lận. Nắm vững các kỹ năng này sẽ giúp nhà đầu tư sớm phát hiện rủi ro tiềm ẩn và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Gian lận hồ sơ tại gói thầu 120 tỷ đồng, Công ty Phố Thị từng trúng thầu tại những chủ đầu tư nào?

Để chen chân vào gói thầu xây lắp hơn 120 tỷ đồng tại huyện Bình Chánh (TP HCM), Công ty CP Tư vấn Xây dựng ...

Những nhóm ngành được kỳ vọng khi mùa báo cáo tài chính quý 3 cận kề

Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 10/2024 sẽ đối mặt nhiều sự kiện quan trọng như công bố kết quả phân loại FTSE Russell, ...

Tài chính từ 1,8 tỷ liệu có mua được nhà hạng sang ven biển?

Với ngân sách từ 1,8 - 4 tỷ, việc tìm kiếm nhà hạng sang ven biển ở tại các thành phố lớn có thể gặp ...

Phương Nguyễn

Phương Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục