5 điều cần biết khi gửi tiết kiệm

(Banker.vn) Gửi tiết kiệm là lựa chọn an toàn và hiệu quả bởi người gửi có thể giữ được số tiền gốc mà còn được nhận thêm tiền lãi.Tiền gửi tiết kiệm được bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo đảm quyền lợi người gửi tiền trong mọi trường hợp
Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi có thể lên tới toàn bộ

Gửi tiết kiệm là một trong những lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất bởi người gửi có thể giữ được số tiền gốc ban đầu mà sau một khoảng thời gian nhất định còn được nhận thêm tiền lãi. Hơn thế nữa, khoản tiền gửi tiết kiệm còn được bảo hiểm tiền gửi.

Gửi tiết kiệm là gì?

Là hình thức gửi khoản tiền nhàn rỗi vào tổ chức tín dụng nhằm hưởng lãi định kỳ theo mức lãi suất được tổ chức tín dụng ấn định với đa dạng các kỳ hạn: ngắn hạn/ dài hạn, không kỳ hạn phù hợp với kế hoạch tài chính trong tương lai.

Mức lãi suất tiết kiệm của các tổ chức tín dụng hiện nay giao động trong khoảng 5%-8%/ năm. Tuy nhiên, trường hợp rút tiền trước kỳ hạn thì người gửi sẽ phải chịu một khoản phí phạt hoặc chỉ nhận một khoản lãi suất rất nhỏ (khoảng dưới 1%/năm)

Cách tính lãi gửi tiết kiệm

Với loại hình gửi tiết kiệm, số tiền gửi sẽ được quy định một mức kỳ hạn đi kèm với mức lãi suất cam kết. tổ chức tín dụng sẽ đưa ra nhiều mức kỳ hạn khác nhau để khách hàng dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu (gửi tiết kiệm hàng tháng, quý, năm,…) Theo đó, công thức tính lãi tiền gửi tiết kiệm áp dụng cho trường hợp khách gửi tiết kiệm có kỳ hạn (không áp dụng cho trường hợp lãi kép) như sau:

- Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo ngày:

Số tiền lãi theo ngày = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365

- Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo tháng:

Số tiền lãi theo tháng = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm)/12 x số tháng thực gửi

- Cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo năm:

Số tiền lãi theo năm = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số năm thực gửi

Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm 300 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng có mức lãi suất 7%/năm thì sau kỳ hạn 6 tháng, người gửi có thể rút số tiền gửi ra kèm theo số tiền lãi nhận được là: 300 triệu đồng x 7%/năm/12 x 6 tháng = 10,5 triệu đồng.

Xem thông tin trên Sổ tiết kiệm/ Thẻ tiết kiệm

Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm, “Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng”.

5 điều cần biết khi gửi tiết kiệm
Ảnh minh họa

Sổ tiết kiệm/ Thẻ tiết kiệm sẽ có các nội dung cơ bản sau:

- Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng;

- Họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) và thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật;

- Số Thẻ tiết kiệm; số tiền; đồng tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); thời hạn gửi tiền; lãi suất; phương thức trả lãi;

- Biện pháp để người gửi tiền, tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm;

- Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất thẻ tiết kiệm

Ngoài các nội dung trên, sổ tiết kiệm có thể có các nội dung khác tùy theo quy định của tổ chức tín dụng. Do đó, nhằm hạn chế các rủi ro về nhầm lẫn, sai sót thông tin người gửi, khách hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin cơ bản trên sổ tiết kiệm.

Nhiều người có thể gửi chung 01 sổ tiết kiệm

Không chỉ một cá nhân được gửi tiết kiệm mà hai hoặc nhiều người có thể cùng gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.

Theo Khoản 2, Điều 5, Thông tư 48/2018/TT-NHNN, tiền gửi tiết kiệm chung là tiền gửi tiết kiệm của từ hai người gửi tiền trở lên. Bên cạnh đó, theo Khoản 3, Khoản 4, Điều 6 của Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “Chủ sở hữu sổ tiết kiệm là người đứng tên trên sổ tiết kiệm, còn trong trường hợp đồng sở hữu sổ tiết kiệm là có từ 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm.” Như vậy, sổ tiết kiệm có thể do một người đứng tên và sở hữu hoặc cũng có thể có 2 hoặc nhiều người cùng đứng tên và đồng sở hữu.

Người gửi có mất tiền nếu tổ chức tín dụng phá sản?

Đây là một trong những vấn đề được người gửi tiền quan tâm hàng đầu. Nếu tổ chức tín dụng phá sản, thì tiền gửi tiết kiệm có bị mất hay không?

Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, tiền gửi của người gửi tiền được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi nước ta, việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là bắt buộc. Theo Điều 6, Luật bảo hiểm tiền gửi và Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi, các tổ chức phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách) bao gồm: Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân bằng đồng Việt Nam. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 3, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:

“Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng”.

Trường hợp tổ chức tín dụng phá sản thì tiền gửi của cá nhân sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi (Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) hoàn trả theo quy định. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thường xuyên giám sát và kiểm tra các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện vi phạm và các rủi ro tiềm ẩn, từ đó đề xuất cảnh báo, khuyến nghị để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Cùng với đó, người gửi cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao những hiểu biết cần thiết.

Để được pháp luật bảo vệ tốt nhất và hoàn toàn yên tâm lựa chọn gửi tiền tại tổ chức tín dụng, người gửi cần tìm hiểu để nắm rõ những thông tin về tiền gửi tiết kiệm nói riêng, hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi nói chung và những nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Hương Giang (HG)

Theo: Báo Công Thương