490.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chờ giải ngân: Động lực đến từ đâu?

(Banker.vn) Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đầu tư công đã có một quá trình rất dài suốt mấy năm nay để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Đây là nền tảng, động lực rất lớn để hoàn thành giải ngân 490.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

Theo báo cáo về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước có những chuyển biến tích cực, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) với số tuyệt đối cao hơn 65.000 tỷ đồng.

Trong đó, tháng 6 là tháng giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất, tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước đó. Không chỉ vậy, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm cũng đang được đẩy nhanh, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm trên khắp cả nước.

phuong-4419.gif
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhìn nhận về kết quả này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đầu tư công đã có một quá trình rất dài suốt mấy năm nay để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đều rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân.

Ngoài ra, cuối tháng 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua và cho phép cơ chế linh hoạt, hài hòa giữa chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội với kế hoạch đầu tư công hàng năm và giai đoạn 5 năm.

Có nghĩa là, nếu như tiền của chương trình phục hồi là tiền “mua mắm” và tiền của chương trình kế hoạch đầu tư công là tiền “mua tương”, thì cơ chế không còn phân định rạch ròi giữa hai loại tiền này và có thể sử dụng lẫn nhau để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, làm sao để giải ngân hết được số tiền của cả hai chương trình.

“Có một quy luật là các tháng đầu năm thường thấp, cuối năm sẽ cao. Đầu năm là công tác chuẩn bị, giữa năm thực hiện và tích lũy khối lượng để cuối năm giải ngân một thể. Đây là nền tảng, động lực rất lớn để chúng ta có thể hoàn thành giải ngân 490.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm”, ông Phương bày tỏ tin tưởng.

Nhiệm vụ nặng nề nhưng không có nghĩa là không làm được

Năm 2023, tổng nguồn lực đầu tư công của kế hoạch là trên 711.000 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 còn rất lớn, khoảng 490.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Phương cho rằng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng không có nghĩa là không thể làm được, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần đôn đốc, theo dõi giám sát các dự án đang triển khai thực hiện, từ đó tăng cường tiến độ thi công, tiến độ hạng mục của các dự án để có khối lượng giải ngân lớn nhất, trong thời gian ngắn nhất.

Đối với các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, các cơ quan liên quan cần căn cứ vào chức năng, thẩm quyền để phê duyệt ngay các thủ tục còn thiếu, để dự án đi vào triển khai ngay lập tức.

“Các bộ, ngành và địa phương cần sự linh hoạt và nhạy bén cao, trong bất kỳ trường hợp nào có nhu cầu vốn hay chậm tiến độ thì phải điều chỉnh ngay lập tức để giải ngân hiệu quả”, ông Phương lưu ý.

Trường hợp không thể điều chỉnh, đề nghị có văn bản gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác.

Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg.

“Các bộ, ngành địa phương cũng cần đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị hết sức cụ thể để Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6”, ông Phương nêu rõ.

Không để tình trạng vốn chờ dự án

Đề cập đến việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng một số vấn đề như chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư; chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng "vốn chờ dự án".

"Đây là năm chúng ta đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng thời, cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau", thứ trưởng Phương nêu rõ.

Thứ trưởng đề nghị, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Theo đó, các bộ ngành và địa phương cần chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030; tập trung nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước... bảo đảm liền mạch, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Nguyễn Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ