4 tháng năm 2024: Lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh

(Banker.vn) Nguồn cung trong nước dồi dào khiến lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2024.
Ngược sóng: Giá heo hơi trong nước tăng mạnh, nhập khẩu thịt heo lại giảm Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ 37 thị trường Lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2024

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tại Trung Quốc, tình trạng dư cung, nhưng sản lượng vẫn ở mức cao khiến giá heo hơi và thịt heo trong nước giảm kéo dài. Tình trạng này đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngành nói chung vì các hộ chăn nuôi lớn tiếp tục thua lỗ, trong khi nhiều hộ nhỏ phải treo chuồng, ngừng nuôi.

Thịt lợn ba chỉ nhập khẩu từ Nga
Thịt heo ba chỉ nhập khẩu từ Nga

Nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc cũng giảm vì nguồn cung trong nước dồi dào. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 337,95 nghìn tấn thịt heo (HS 0203), với trị giá 656,34 triệu USD, giảm 49% về lượng và giảm 59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024 gồm: Tây Ban Nha, Brazil, Canada, Hà Lan, Chile, Hoa Kỳ... Lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho thị trường Trung Quốc, chiếm 27,23% trong tổng lượng thịt heo nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2024, với 92,03 nghìn tấn, trị giá 188,75 triệu USD, giảm 45,2% về lượng và giảm 54,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hy vọng rằng với xu hướng giảm số lượng heo con mới sinh, cung và cầu thị trường heo trong quý II/2024 sẽ được cân bằng hơn và chăn nuôi heo có thể có lãi trở lại.

Báo cáo quý của Rabobank cho thấy, ngành thịt heo toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi khi bước vào quý II/2024, với một số yếu tố chính ảnh hưởng đến việc cải thiện lợi nhuận. Sau nhiều tháng sụt giảm, số lượng đàn heo nái đang ổn định, cho thấy cung cầu dần cân bằng hơn. Mặc dù dự kiến sẽ không có sự gia tăng đáng kể về đàn chăn nuôi cho đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, nhưng việc cải thiện năng suất và nâng cao sức khỏe đàn gia súc ở Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc đang thúc đẩy sản xuất.

Theo Rabobank, trong thời gian tới, ngành phải theo dõi một số yếu tố có thể ảnh hưởng, gồm những thay đổi về số lượng heo nái và đàn heo tồn kho bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như dịch bệnh, thay đổi quy định và năng suất. Chi phí thức ăn chăn nuôi thấp hơn đang bù đắp cho sự lạm phát của các chi phí khác và giúp ngành chăn nuôi có lãi trở lại.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương