4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới

(Banker.vn) Sau 4 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đem lại những kết quả tích cực: Mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Xuất khẩu nông sản sang Đức: Triển vọng lớn khi EVFTA đang phát huy vai trò "đường cao tốc" Thực thi hiệu quả EVFTA, tạo xung lực mới trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Italia Thương mại song phương Việt Nam-EU tăng trưởng tích cực: Vai trò tiên phong của các tham tán rất quan trọng

Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại những kết quả tích cực: Mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản... và tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU, đồng thời giúp Việt Nam có điều kiện để hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Những tác động tích cực

Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong số các nước ASEAN. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng, như: Thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ, Pháp…

4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới
Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại những kết quả tích cực. Ảnh minh họa

Trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023, đạt trên 4,28 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt trên 634,96 triệu USD, tăng 7,73% so với tháng 5/2024 và tăng 7,13% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ 3 là thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 385,97 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 5/2024 và tăng 4,27% so với tháng 6/2023.

Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt 308,19 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng 5/2024 và tăng 3,38% so với tháng 6/2023.

Đáng chú ý, nhờ Hiệp định EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn, khi thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA. Người dân đã được mua các sản phẩm nông sản từ châu Âu (như: Rau củ quả, sữa và ngũ cốc) với mức giá phù hợp; cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như: Máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ở chiều ngược lại, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như: Dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.

4 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Hợp tác thương mại Việt Nam - EU vươn lên tầm cao mới
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa

“Việc thực thi EVFTA đã đánh dấu bước quan trọng trong quá trình 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, mở ra một giai đoạn mới cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn”, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định và đánh giá, qua 4 năm thực thi EVFTA đã cho thấy những tác động tích cực của hiệp định này đến sự phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - EU.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo ở các thị trường khác. Dù khối lượng xuất khẩu gạo sang EU không nhiều, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được những chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao.

Cùng chung niềm vui với mặt hàng gạo, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ 3 của Việt Nam. Nếu như năm 2023, xuất khẩu rau, quả sang EU tăng 30% so với năm 2022 thì năm nay, dự báo xuất khẩu rau, quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD.

Cà phê Việt Nam cũng là mặt hàng được hưởng lợi lớn từ các FTA, trong đó có EVFTA. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, đạt trên 4,05 tỷ USD. Riêng thị trường EU chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước. Năm 2023, EU đã chi khoảng 1,66 tỷ USD mua cà phê từ các nhà cung ứng Việt Nam. EVFTA đã giúp ngành cà phê gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại đây.

Không chỉ vậy, thời gian qua, Hiệp định EVFTA góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và thúc đẩy đầu từ trực tiếp của EU và các nước khác vào Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng do tận dụng những lợi thế được tạo ra từ EVFTA, thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng công nghệ cao, thu hút dòng vốn lớn vào các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, viễn thông, vận tải... Theo thống kê, tính đến 20/5/2024, tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD (không tính đầu tư qua bên thứ 3). EU đứng thứ 5/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tận dụng tốt “tấm hộ chiếu” C/O

Cùng với nỗ lực tuyên truyền của các cơ quan chức năng, địa phương, truyền thông, việc chứng minh xuất xứ hàng hoá ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) giữ vai trò như “chìa khoá vàng” giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là giúp hàng hoá tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thoả thuận thương mại từ EVFTA.

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.

Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 rất tốt như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.

“Kết quả trên cho thấy EVFTA đã bước đầu phát huy hiệu quả của một hiệp định thực chất và được kỳ vọng cao, nhưng đây vẫn là một hiệp định còn nhiều dư địa để khai thác” - lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ và cho biết thêm, để tận dụng dư địa do Hiệp định EVFTA mang lại, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán với phía EU để thống nhất cách hiểu về các tiêu chí cụ thể mặt hàng theo hướng phù hợp với thực tế sản xuất hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu (như đối với mặt hàng dệt may). Đối với hạn ngạch gạo, Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán sửa đổi danh mục chủng loại gạo để phù hợp với thực tiễn mặt hàng chủng loại gạo có thế mạnh hiện nay của Việt Nam (như gạo ST 24, gạo ST 25), thay thế cho các chủng loại gạo ĐT8, OM5451.

Rõ ràng, Hiệp định EVFTA được đánh giá là một trong những hỗ trợ tốt cho thương mại Việt Nam - EU. Rất nhiều nước ASEAN đang nỗ lực có được một Hiệp định như Việt Nam. Do vậy, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi từ EVFTA là hết sức cần thiết. Và việc này bắt nguồn từ việc đảm bảo hàng hóa Việt Nam được sản xuất và xuất khẩu một cách bài bản, tuân thủ tốt các quy định của EU nhất là về chất lượng, an toàn sản phẩm.

Đáng chú ý, theo ông Trần Ngọc Quân, hiện nay một số ngành hàng của Việt Nam bị mở rộng điều tra hoặc áp thuế, điều này ảnh hưởng lợi ích trực tiếp từ EVFTA. Do vậy, hàng hóa Việt Nam xuất khẩ sang EU cần đảm bảo không có hàng từ nước thứ ba trá hình vào Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA hoặc vào Việt Nam tránh thuế tự vệ, phá giá rồi xuất đi EU.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA, nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới… để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giao hàng. Đồng thời, chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục