4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào vừa được Bộ Công Thương “ghé thăm”?

(Banker.vn) Nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, mua bán xăng dầu, Bộ Công Thương quyết định lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào vừa được Bộ Công Thương “ghé thăm”?
4 “anh cả” kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương “ghé thăm”

Vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1896 về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023. Đồng thời, danh sách 4 “anh cả” bị thanh tra cũng được công bố.

Theo đó, 4 doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán xăng dầu lần lượt gọi tên Công ty TNHH Thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil (số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TPHCM); Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát (số 73 Lê Lợi, phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (số 287 Ngô Đức Kế, quận Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Theo Quyết định, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, hệ thống phân phối, mua bán xăng dầu theo hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này sẽ bị kiểm tra việc duy trì các điều kiện về kinh doanh xăng dầu quy định tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 08 về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83).

Theo tìm hiểu, 4 doanh nghiệp bị thanh tra đều là những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, 4 “anh cả” này liên tục bị “nêu tên” vì sai phạm về điều kiện kinh doanh xăng dầu và nợ thuế.

Vào tháng 7/2022, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil cùng Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát đã “lọt” danh sách những doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh có kỳ hạn. Theo đó, 2 công ty này lần lượt bị đình chỉ kinh doanh trong thời hạn lần lượt là 1,5 tháng và 2 tháng.

Xuyên Việt Oil được thành lập tháng 5/2005 ở TP.HCM với lĩnh vực chính là buôn bán nhiên liệu rắn, lỏng, khí. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn “lấn sân” sang lĩnh vực vận tải, bất động sản. Tại thời điểm tháng 4/2016, vốn điều lệ OiL đạt 50 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2020, Xuyên Việt Oil rơi vào tình cảnh “lỗ chồng lỗ” khi lợi nhuận liên tục giảm.

Về phía Hưng Phát, Công ty được thành lập từ tháng 7/2003 với đa lĩnh vực từ buôn bán nhiên liệu đến khai thác quặng sắt, xây dựng công trình, vận tải đường bộ. Trong thời điểm xăng dầu “khan hiếm” đợt cuối năm 2022, doanh nghiệp này liên tục bị “nêu danh” vì không chịu nhập đủ hàng, không đáp ứng đủ điều kiện về đại lý, cửa hàng phân phối.

Đối với 2 doanh nghiệp còn lại là Tập đoàn Thiên Minh Đức và Vận tải thủy bộ Hải Hà, Cục thuế địa phương phải liên tục “réo tên” vì nợ thuế chồng chất.

Tập đoàn Thiên Minh Đức được thành lập năm 2001 với “hệ sinh thái” nhiều ngành nghề như: buôn bán nhiêu liệu, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, xây dựng… Trước đây, Thiên Minh Đức từng là doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhà nước lớn nhất tỉnh Nghệ An nhưng giờ đây, Tập đoàn này lại rơi vào cảnh nợ thuế lên tới 728 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, Tập đoàn Thiên Minh Đức còn bị ngành thuế Nghệ An ra quyết định cưỡng chế hóa đơn. Cụ thể, doanh nghiệp này bị cưỡng chế hóa đơn bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có hiệu lực 1 năm, kể từ ngày ra quyết định đến 7/7/2024.

Tuy nhiên, năm 2022, Tập đoàn Thiên Minh Đức vẫn nằm trong Top những doanh nghiệp địa phương đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn nhất.

Chung “cảnh ngộ” với Thiên Minh Đức, Vận tải thủy bộ Hải Hà hiện đang lâm vào cảnh nợ nần với số tiền “khủng” 1.708 tỷ đồng. Đáng chú ý, suốt từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này liên tục nằm trong “danh sách đen” về nợ thuế của tỉnh Thái Bình.

4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào vừa được Bộ Công Thương “ghé thăm”?
Vận tải thuỷ bộ Hải Hà

Hải Hà được thành lập vào tháng 09/2003 với hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất nhập khẩu xăng dầu và vận tải thuỷ bộ. Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình, Hải Hà gặp không ít thăng trầm về kinh doanh, tài chính.

Giai đoạn 2017-2021, Hải Hà luôn có doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này lại liên tục báo lỗ. Bên cạnh đó, Hải Hà còn “lấn sân” sang cả lĩnh vực dược phẩm và bất động sản, tuy trúng nhiều gói thầu lớn nhưng lãi của doanh nghiệp gần như vẫn không tiến triển.

Được biết, cuối tháng 12/2022 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có kết luận thanh tra số 8146 sau khi “ghé thăm” 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam và phát hiện nhiều điểm hạn chế.

Cụ thể, một số sai phạm phổ biến được liệt kê như: báo cáo kho xăng dầu chưa đúng với thực tế, giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị, không báo cáo thay đổi về số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền, không nhập đủ số lượng hàng, thống kê “gian dối”…

Từ kết luận của thanh tra, một số doanh nghiệp bán lẻ cho rằng nguyên nhân của việc thị trường xăng dầu bất ổn xuất phát từ tình trạng “lạm quyền” của các thương nhân đầu mối.

Theo dự phóng của VNDirect, nhìn chung, phân phối xăng dầu có nhiều triển vọng tươi sáng nhờ thị trường trong nước ổn định trở lại, việc điều chỉnh các khoản phụ phí kinh doanh xăng dầu kịp thời và đầy đủ của cơ quan quản lý giúp hạn chế các chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp buôn bán xăng dầu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra sau nửa đầu năm 2023 đầy “sóng gió”.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục