4 cuộc họp của các Ngân hàng trung ương đáng chú ý trong tuần này

(Banker.vn) Trong tuần này, thị trường đón chờ thông tin từ 4 cuộc họp của các Ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào 18 giờ thứ Tư, ngày 20/9 (giờ GMT), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cùng vào thứ Năm, ngày 21/9 (giờ GMT) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) vào thứ Sáu, ngày 22/9.

Các thành viên thị trường luôn theo dõi chặt chẽ các cuộc họp của ngân hàng trung ương vì những thông tin có giá trị mà các cơ quan này đưa ra về diễn biến tương lai của chính sách tiền tệ, tình hình kinh tế và tâm lý thị trường. Thông tin này cho phép các nhà đầu tư điều chỉnh việc phân bổ danh mục đầu tư của mình một cách hiệu quả.

Ngoài ra, những cuộc họp này có khả năng kích hoạt những biến động thị trường nhanh chóng và đáng kể, được nhiều loại nhà giao dịch khác nhau sử dụng, bao gồm cả nhà giao dịch tin tức, nhà giao dịch lướt sóng và nhà giao dịch trong ngày. Những nhà giao dịch này thường xuyên khai thác sự biến động gia tăng có liên quan đến các sự kiện như vậy, đặc biệt khi sử dụng các công cụ có đòn bẩy như Hợp đồng chênh lệch (CDF).

Một số thông tin liên quan đến các cuộc họp quan trọng của 4 ngân hàng trung ương dự kiến ​​diễn ra trong tuần này

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ( lãi suất hiện tại dao động từ 5,25 - 5,5%)

Kể từ năm 2021, FED đã phải đối mặt với một tình huống đầy thách thức khi tìm cách thực hiện nhiệm vụ kép của mình là duy trì sự ổn định về giá và thúc đẩy việc làm bền vững tối đa. Nhiệm vụ kép này đòi hỏi hành động cân bằng tinh tế.

Một mặt, FED nỗ lực quản lý lạm phát để ngăn chặn lạm phát, vốn làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung. Mặt khác, FED cũng phải giảm thiểu những hậu quả có thể xảy ra của suy thoái kinh tế do “hạ cánh cứng” bởi chính sách tiền tệ hạn chế hơn, có thể có tác động bất lợi đến cả tình hình việc làm và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, FED còn 3 cuộc họp dự kiến ​​vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12 – trong đó tháng 11 có ý nghĩa đặc biệt vì rất có thể liên quan đến việc tăng lãi suất. Hiện giờ, các thành viên tham gia thị trường thực sự đang mong đợi FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 và tháng 12.

Mặc dù hy vọng sẽ không có ngạc nhiên về việc tăng lãi suất, thì tuần này vẫn hứa hẹn sẽ hấp dẫn khi FED chuẩn bị tiết lộ các dự báo kinh tế mới nhất và phiên bản cập nhật của “biểu đồ dotplot”, biểu đồ thể hiện dự báo, quan điểm của từng thành viên FED về lãi suất trong tương lai. Các thông tin này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc họp tháng 11 và liệu các nhà đầu tư và nhà giao dịch có nên mong đợi một đợt tăng lãi suất khác hay không mà theo lý thuyết, đây có thể là lần tăng cuối cùng của chu kỳ này.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (lãi suất hiện tại: 1,75%)

Vào tháng 6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất cơ bản lần thứ năm liên tiếp như một phần của cuộc chiến liên tục chống lạm phát. Các quan chức cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy nhiều đợt tăng lãi suất có thể xảy ra, có thể ngay trong cuộc họp sắp tới trong tuần này.

Tuy nhiên, ngay cả với những đợt tăng lãi suất này, SNB dự đoán lạm phát ở Thụy Sĩ vẫn sẽ vượt quá phạm vi mục tiêu 0-2% vào năm 2026. Cơ quan này cũng đã điều chỉnh dự báo lạm phát tăng lên cho năm 2023 và 2024 (lạm phát trung bình hằng năm ở mức 2,2%) và cho năm 2025 (lạm phát trung bình hằng năm ở mức 2,1%), cho thấy khả năng thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong tương lai.

Hơn nữa, SNB đã nhấn mạnh sự sẵn sàng can thiệp và thực hiện các động thái trên thị trường tiền tệ theo yêu cầu, với trọng tâm chính là bán ngoại tệ để duy trì sự ổn định tiền tệ.

Trong cuộc họp gần nhất vào tháng 6, các nhà phân tích thị trường đã quan sát thấy mặc dù SNB ban đầu tìm cách chống lại sự mạnh lên của đồng Franc Thụy Sĩ trong bối cảnh thị trường hỗn loạn vào đầu năm ngoái, nhưng cách tiếp cận hiện tại của cơ quan này lại liên quan đến việc tích cực tham gia bán ngoại tệ để củng cố giá trị của đồng Franc Thụy Sĩ. Sự thay đổi này nhằm mục đích giảm chi phí liên quan đến nhập khẩu.

Ngân hàng trung ương Anh (lãi suất hiện tại: 5,25%)

Trong khi lạm phát toàn cầu đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ thì lạm phát ở Anh vẫn ở mức rất cao - chủ yếu là do giá hàng hóa tăng cao như năng lượng và thực phẩm.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể lo sợ hơn về việc nền kinh tế đang hạ nhiệt nhiều hơn dự kiến. Các thành viên tham gia thị trường kỳ vọng Ngân hàng trung ương Anh sẽ quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm, điều này nếu xảy ra sẽ đẩy lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007.

Mặc dù đường đi của lãi suất phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế được công bố giữa các cuộc họp của ngân hàng trung ương, nhiều nhà phân tích tin rằng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hiện nay và tăng trưởng chậm chạp ở Vương quốc Anh có thể khiến mức tăng lãi suất này là lần tăng cuối cùng chu kỳ thắt chặt này.

Đầu tháng này, Thống đốc BOE Andrew Bailey, đã tuyên bố rằng “bây giờ chúng ta đã tiến gần hơn đến đỉnh của chu kỳ… Do đó, tôi không nói rằng chúng ta đang ở đỉnh của chu kỳ vì chúng ta sắp có một cuộc họp, nhưng tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần hơn đến điều đó về mặt lãi suất, dựa trên bằng chứng hiện tại.”

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (lãi suất hiện tại:– 0,1%)

Mặc dù trong tuần này cũng có các quyết định và định hướng về lãi suất từ ​​Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Indonesia, nhưng cuộc họp chính sách của BOJ vào thứ Sáu là sự kiện then chốt ở châu Á.

Mặc dù không dự đoán được những thay đổi chính sách quan trọng có thể xảy ra, nhưng các nhà quan sát thị trường sẽ xem xét kỹ lưỡng để tìm bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng điều hướng ra khỏi chính sách cực kỳ lỏng lẻo và lãi suất âm lâu nay của Nhật Bản.

Điều đặc biệt thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường là hàng loạt bình luận “diều hâu” được đưa ra bởi nhiều quan chức của BOJ trong những tuần gần đây. Những tuyên bố này cho thấy ban lãnh đạo BOJ sẵn sàng hơn trong việc tham gia vào các cuộc thảo luận về một sự thay đổi chính sách tiềm năng.

Sự thay đổi giọng điệu này phản ánh sự thừa nhận quan điểm chính sách siêu thích ứng hiện tại có thể không còn là phản ứng phù hợp nhất với các điều kiện kinh tế đang phát triển. Do đó, lập trường đang thay đổi của BOJ đang được quan sát chặt chẽ, vì nó có thể có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với chính sách tiền tệ của Nhật Bản mà còn đối với động lực kinh tế rộng lớn hơn trong khu vực.

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ