360° doanh nghiệp ngày 31/7: Kinh Bắc (KBC) báo lãi bán niên tăng gấp 9 lần cùng kỳ

(Banker.vn) BIDV báo lãi bán niên tăng 26%, số dư nợ xấu tăng vọt lên gần 26 ngàn tỷ đồng; Kinh Bắc (KBC) báo lãi bán niên tăng gấp 9 lần cùng kỳ; “Ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại báo lãi thấp kỷ lục; Tập đoàn Hà Đô báo lãi thấp nhất trong vòng 5 năm;… là những thông tin nổi bật trong 360° doanh nghiệp ngày 31/7/2023.

Kinh Bắc (KBC) báo lãi bán niên tăng gấp 9 lần cùng kỳ

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu đạt 2.051 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Trừ chi phí vốn, KBC đạt 1.492 tỷ đồng lợi nhuận gộp, hơn gấp 8 lần cùng kỳ.

Doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, tuy vậy Kinh Bắc City vẫn lãi sau thuế 747 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 323 tỷ đồng trong quý 2 năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Kinh Bắc City đạt 4.274 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.341 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 1.803 tỷ đồng, gấp 9 lần so với số lãi 200 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

Nguyên nhân doanh thu tăng mạnh do KBC ghi nhận doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, đạt hơn 4.024 tỷ đồng (cùng kỳ 585 tỷ đồng). Chi phí bán hàng trong kỳ tăng mạnh do công ty chi hơn 291 tỷ đồng chi phí tư vấn pháp lý, môi giới và xúc tiến hàng hàng (cùng kỳ gần 32 tỷ đồng).

360° doanh nghiệp ngày 31/7: Kinh Bắc (KBC) báo lãi bán niên tăng gấp 9 lần cùng kỳ
Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 31/7/2023

“Ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại báo lãi thấp kỷ lục

Théo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa công bố, Doanh nghiệp gi nhận doanh thu thuần đạt 29,5 ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ lãi ròng vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Đây là quý lãi thấp nhất từ trước đến nay của MWG.

Trong quý 2/2023, biên lãi gộp của MWG đã giảm xuống 18,5%, từ mức 21,4% của cùng kỳ. Ở mặt tích cực, doanh nghiệp cho biết đã tăng thị phần ở nhiều nhóm hàng, nhất là ở sản phẩm Apple.

Cùng với sự suy giảm của hoạt động cốt lõi, MWG phải gánh chi phí cao hơn. Trong giai đoạn này, chi phí tài chính tăng 10% lên 400 tỷ đồng, còn chi phí bán hàng tăng 8% lên 5,2 ngàn tỷ đồng.

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên gần 600 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40% xuống 300 tỷ đồng.

Kết quả quý 2 của ông lớn ngành bán lẻ vẫn còn ảm đạm, nhưng trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư có lẽ đã bỏ qua giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn để nhìn xa hơn vào tương lai. Giá cổ phiếu MWG đã tăng 44% trong 2 tháng qua.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần 56,6 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 39 tỷ đồng, giảm tương ứng 21% và 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ông lớn bán lẻ chỉ mới thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tập đoàn Hà Đô báo lãi thấp nhất trong vòng 5 năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) ghi nhận doanh thu thuần 564 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ gần 54 tỷ đồng về gần 10 tỷ đồng, trong khi các chi phí khác đều tăng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm 81% còn gần 81 tỷ đồng (mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong vòng 5 năm qua, kể từ quý III/2018). Trong đó, LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ là 45 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hà Đô ghi nhận 1.520 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 438 tỷ đồng LNST; giảm lần lượt 8% và 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng góp chính cho doanh thu nửa đầu năm của doanh nghiệp này vẫn là mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) với hơn 918 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, mảng kinh doanh bất động sản đem về hơn 392 tỷ đồng, giảm 31%.

Năm 2023, Hà Đô đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 971 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 10% và 29% so với kết quả đạt được trong năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Viettel Construction (CTR) báo lãi quý 2 tăng 21%

Báo cáo tài chính của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: CTR) mới đây vừa công bố cho biết công ty thu về 2.701 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2023, tăng 22% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng 21% dẫn đến lãi gộp của Viettel Construction tăng 26% lên 203 tỷ đồng. Đáng chú ý, các chi phí trong kỳ tăng mạnh như: chi phí tài chính tăng lên 20,4 tỷ đồng - gấp 14,5 lần cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 49% lên hơn 52 tỷ đồng.

Sau trừ các khoản, tổng công ty báo lãi trước và sau thuế tăng 20% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 254,5 tỷ đồng và 123,9 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Viettel Construction đạt 5.040 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ, lãi sau thuế tăng 21% lên hơn 232 tỷ đồng.

BIDV báo lãi bán niên tăng 26%, số dư nợ xấu tăng vọt lên gần 26 ngàn tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với nửa đầu năm 2022.

Trong quý 2, Ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV ghi nhận đạt 11.135 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí hoạt động ghi nhận 6.370 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 5%, xuống còn hơn 23.581 tỷ đồng. Việc sụt giảm lợi nhuận là do một số mảng kinh doanh ghi nhận tăng trưởng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng thu nhập hoạt động của BIDV chỉ tăng 1,2% nhưng chi phí hoạt động lại tăng 17,7%.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 1,1%, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 56% mang về gần 29 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối ghi nhận tăng trưởng 14,8% và 20,5%, lần lượt mang về 3.189 tỷ đồng và 1.457 tỷ đồng. Riêng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lãi gần 180 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 67,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, BIDV chỉ trích 9.719 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 30% so với 6 tháng đầu năm 2022, do đó Ngân hàng lãi trước thuế hơn 13.863 tỷ đồng, tăng 26% so với nửa đầu năm 2022.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của BIDV tăng nhẹ 0,2% lên 2,124 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 16% xuống còn 11.488 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 57% xuống còn 47.636 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 8% xuống còn 186,326 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 7% lên gần 1,63 triệu tỷ đồng…

Ở phía nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ, NHNN giảm 66% xuống còn 51.539 tỷ đồng, tiền gửi của các TCTD khác tăng 16% lên 158.440 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 5% lên gần gần 1,55 triệu tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trong cơ cấu tín dụng, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 7,2%.

Về chất lượng tài sản, tính đến ngày 30/6, số dư nợ xấu của BIDV tăng hơn 47%, lên 25.970 tỷ đồng, một nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,16% ở thời điểm đầu năm lên mức 1,59%.

Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, BIDV đưa ra mục tiêu kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% , phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,4%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá kế hoạch đề ra.

Vinamilk hoàn thành 48% kế hoạch năm 2023

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với số liệu kinh doanh lệch không đáng kể so với con số ước tính trước đó. Cụ thể, Vinamilk đạt 15.195 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu thuần nội địa đạt 12.789 tỷ đồng, tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ các ngành hàng chính như sữa đặc, sữa tươi 100%, sữa thực vật và sữa chua ăn nhờ các nỗ lực tối ưu hệ thống phân phối và giới thiệu bao bì mới phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Các kênh phân phối chủ đạo đều ghi nhận tăng trưởng dương trong quý so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm nhấn là kênh cửa hàng và thương mại điện tử với mức tăng trưởng cao 16% nhờ sự chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng và sự đầu tư của Vinamilk cho các nền tảng bán hàng trực tuyến. Tính đến ngày 30/6, công ty đang vận hành 654 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, tăng 8 cửa hàng so với đầu năm.

Các thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu đạt 2.406 tỷ đồng. Đối với hoạt động xuất khẩu, tuy tình hình chung vẫn được đánh giá là khó khăn trong 6 tháng đầu năm, Vinamilk cho hay vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại các thị trường truyền thống song song tích cực gia tăng độ phủ kênh phân phối, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu phát triển sản phẩm… tại các thị trường xuất khẩu mới.

Đối với các chi nhánh nước ngoài, AngkorMilk tại Campuchia vẫn duy trì tăng trưởng trên 10%. Trong các quý tiếp theo, các chi nhánh nước ngoài sẽ tăng cường các hoạt động marketing và đầu tư vào hệ thống bán hàng.

Biên lợi nhuận gộp quý 2 đạt 40,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với quý trước và tương đương với cùng kỳ 2022. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ là 3.630 tỷ đồng, tương đương 23,9% doanh thu thuần. Chi phí này xấp xỉ bằng với cùng kỳ 2022, trong khi doanh thu có sự tăng trưởng.

Doanh thu tài chính đạt 384 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Các biến động thu nhập trong hoạt động tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và chi phí lãi vay cao hơn so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 2.229 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2022. Lãi ròng là 2.199 tỷ, tăng 5,6% so với quý II/2022. Biên lãi thuần đạt 14,7%, tăng 100 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 60 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 29.113 tỷ đồng và 4.135 tỷ đồng, tăng 1% về doanh thu và giảm 5,7% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Vinamilk đã hoàn thành lần lượt 46% chỉ tiêu doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

360° doanh nghiệp ngày 27/7: Nợ xấu ABBank "nhảy vọt"

Sabeco báo lãi giảm 32% trong qúy 2, cổ phiếu SAB vẫn “bứt phá”; Nợ xấu ABBank "nhảy vọt"; Năm Bảy Bảy (NBB) báo lãi ...

360° doanh nghiệp ngày 29/7: HAGL Agrico (HNG) nối dài mạch thua lỗ

HAGL Agrico (HNG) nối dài mạch thua lỗ; LDG lỗ ròng hơn 144 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023; Lợi nhuận quý 2 ...

360° doanh nghiệp ngày 30/7: "Ông lớn" Becamex báo lãi "lao dốc" 85%

Kinh doanh sa sút, “ông lớn” Becamex báo lãi giảm 85%; Nửa năm 2023, CenLand lãi chưa tới 1 tỷ đồng; PVD báo lãi tăng ...

Minh Khang (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán