3 yếu tố quan trọng để ngành y dược Việt Nam hút vốn ngoại

(Banker.vn) Để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại tập trung bỏ vốn vào lĩnh vực y dược, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý vào 3 yếu tố.
Hơn 450 doanh nghiệp tìm cơ hội giao thương tại triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược 2024 Đổi mới sáng tạo trong ngành y dược: Phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP

Được đánh giá có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, nhưng ngành y dược của Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện ngành y dược mới thu hút được 160 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và tập trung tại 13 tỉnh, thành trên cả nước.

Để tìm hiểu rõ hơn về những vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực y dược, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Darrell Oh - Chủ tịch Pharma Group bên lề Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược diễn ra vào sáng 25/9, tại Hà Nội.

3 yếu tố quan trọng để ngành y dược Việt Nam hút vốn ngoại
Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group (Ảnh: NH)

Xin ông cho biết đâu là những lĩnh vực trọng tâm là các thành viên của Pharma Group đang đầu tư vào Việt Nam?

Pharma Group hiện có 21 thành viên là các các tập đoàn đa quốc gia thuộc châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản, chúng tôi đã và đang hoạt động tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Nhờ vào Luật Dược, kể từ năm 2019, các công ty thành viên của Pharma Group đã có thể chuyển đổi từ các văn phòng đại diện sang mô hình cơ sở kinh doanh dược, thực hiện nhập khẩu trực tiếp thuốc, vaccine do chúng tôi nghiên cứu, sản xuất để cung ứng cho thị trường Việt Nam cũng như mở rộng hoạt động, đầu tư tại Việt Nam với tổng số nhân lực làm việc trong ngành là hơn 3.000 người; tạo ra hơn 15.000 việc làm gián tiếp bởi các hoạt động kinh tế khác trong chuỗi cung ứng; tổng đầu tư cho vốn điều lệ hơn đạt 100 triệu USD.

Trong đó, nghiên cứu lâm sàng và chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc (một trong những mục tiêu quan trọng phát triển ngành) cũng đã và đang là những lĩnh vực trọng tâm được chúng tôi tập trung đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt tập trung thử nghiệm lâm sàng là xu hướng tất yếu trong ngành dược phẩm và công nghệ sinh học. Với đặc thù là ngành dược phẩm phát minh lấy nghiên cứu phát minh làm trọng tâm, các công ty sẽ không ngừng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Nếu trong điều kiện thuận lợi về quy định và các chính sách ưu đãi rõ ràng, các công ty sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu lâm sàng nhiều hơn tại Việt Nam (bao gồm giai đoạn III thử nghiệm trên quy mô lớn và Giai đoạn II là giai đoạn thử nghiệm nhằm xác định liều tối ưu cho thử nghiệm lâm sàng và chứng minh tính an toàn, hiệu quả của thuốc). Lĩnh vực đầu tư giá trị cao này hứa hẹn sẽ còn nhiều đột phá trong thời gian sắp tới.

Theo ông, Việt Nam nên tập trung vào những khía cạnh nào nhằm thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh?

Không thể chối cãi Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút FDI nhờ vào các yếu tố như: Thị trường nội địa lớn và đang phát triển; sự ổn định về chính trị và hệ thống xã hội, kinh tế; tham gia tích cực hội nhập với 16 hiệp định thương mại tự do với các khu vực kinh tế lớn. Song cũng phải nói rằng, mặc dù ngành dược phẩm Việt Nam vẫn đang phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tận dụng được hết năng lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ của các nước trong khu vực với các chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như không ngừng cải thiện các quy định, Việt Nam cần nhanh chóng gia tăng các nỗ lực trong công cuộc thu hút FDI và đổi mới, sáng tạo.

4426-y-duoc
Doanh nghiệp ngành y dược quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam (Ảnh: ST)

Ông có thể trình bày rõ hơn, Việt Nam cần tập trung vào những yếu tố nào để thu hút vốn ngoại vào ngành dược phẩm?

Có 3 yếu tố quan trọng Việt Nam cần tập trung nhằm thu hút đầu tư vào ngành dược phẩm, bao gồm: Thứ nhất, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn tại đây. Điều quan trọng nữa là: Cam kết mạnh mẽ đối với quy trình quản lý chặt chẽ, tinh gọn, đảm bảo đúng thời hạn quy định cho các thủ tục quản lý, phê duyệt và hoàn thiện quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, đưa ra các chính sách ưu đãi ưu tiên lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất.

Thứ ba, cần có một quy trình thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược hiệu quả (Quyết định 1165 và 376). Chúng tôi rất phấn khởi với việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phát triển ngành dược. Đề xuất, điếp tục các buổi đối thoại với doanh nghiệp để theo dõi quá trình hoạt động và kịp thời thích nghi với các thay đổi của thị trường, tăng cường các chính sách và chương trình uu đãi khuyến khích để Việt Nam có thể phát huy thực sự tiềm năng hiện có và tăng tính cạnh tranh trong khu vực.

Việt Nam đang chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Luật Dược sửa đổi và dự kiến được thông qua vào tháng 10/2024. Ông đánh giá ra sao về những điểm mới tại dự thảo?

Chúng tôi hoàn toàn phấn khởi và ủng hộ những điểm mới tích cực trong dự thảo luật hiện nay. Cụ thể, cơ chế tham chiếu kết quả thẩm định của các cơ quan quản lý dược tiên tiến trên thế giới khi đưa ra quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa khả năng tiếp cận thuốc mới, vaccine và sinh phẩm. Đơn giản hóa thủ tục gia hạn giấy đăng ký để tháo gỡ gánh nặng về thủ tục hành chính hiện nay, tránh nguy cơ thiếu thuốc như đã từng xảy ra. Chính sách ưu đãi đặc thù để phát triển ngành dược, như việc cải thiện một số quy định liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp FIE (có vốn đầu tư nước ngoài), đưa ra các ưu đãi khuyến khích cho hoạt động gia công, chuyển giao công nghệ thuốc mới, thuốc phát minh cũng như các hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D)

Chúng tôi rất trân trọng những nỗ lực của Ban soạn thảo đã dày công nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bên trong thời gian qua và kỳ vọng, Luật Dược sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2024. Quan trọng hơn hết, chúng tôi hy vọng những quy định hướng dẫn thi hành sẽ không tạo ra thêm những rào cản về thủ tục hành chính và phù hợp với các hoạt động nâng cao năng lực cho cả cơ quan quản lý và ngành. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, hỗ trợ việc hoàn thiện Luật Dược và và hiệu quả thi hành.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục