3 cổ phiếu ngân hàng đang được lòng giới phân tích

(Banker.vn) Nhóm ngân hàng đang được đánh giá khả quan, và một số cổ phiếu cho thấy dư địa tăng còn khá rộng, nhờ mức định giá thấp và lợi nhuận ổn định.
Liệu STB, VIB, ACB có phải viên ngọc ẩn mình trong ngành ngân hàng?
STB, VIB, ACB là 3 cổ phiếu ngân hàng được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua và nắm giữ dài hạn.

Theo đánh giá của giới phân tích, mức định giá P/E bình quân của thị trường gần đây đã tăng lên khoảng 16 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm 2023. Thị trường đã lập đỉnh ngắn hạn nhờ vào dòng tiền quay lại và lãi suất giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mặc dù khối ngoại có tác động bán ròng.

Nhiều cổ phiếu đang có mức giá cao so với trước, nhưng không ít nhóm ngành nói chung, cổ phiếu nói riêng có triển vọng tiếp tục tăng.

Trong đó, nhóm ngân hàng đang được đánh giá khả quan, và một số cổ phiếu cho thấy dư địa tăng còn khá rộng, nhờ mức định giá thấp và lợi nhuận ổn định.

STB - Kỳ vọng sinh lời dài hạn

Kết phiên giao dịch 19/9, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank tăng 2,15% lên 33.300 đồng/cp. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), dự phóng P/E và P/B của STB trong năm 2023 đang ở mức 9,05 lần và 1,47 lần, không thực sự thu hút giới đầu tư.

Song, P/E và P/B dự phóng năm 2024 của STB lại khá hấp dẫn với lần lượt 3,4 lần và 0,8 lần, do ngân hàng không còn áp lực trích lập dự phòng trái phiếu VAMC. Trong khi chỉ số ROE năm 2023 ước đạt mức 17,19%, sang năm 2024, chỉ số này được kỳ vọng tăng mạnh lên 28,3%.

Vẫn theo ABCS, nếu không còn phải trích lập lãi dự thu cũng như giảm trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, lợi nhuận trước thuế của STB có thể tăng trưởng khá cao. Cùng với đó, hiện chất lượng tài sản của STB đang được kiểm soát tốt, bất chấp diễn biến xấu đi của toàn ngành.

Cụ thể, năm 2023, ACBS dự phóng lợi nhuận sau thuế của STB đạt 10.612 tỷ đồng, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, lợi nhuận trước thuế dự phóng đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 90%.

Với dự phóng P/E và P/B hấp dẫn trong năm 2024, ACBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu STB với giá mục tiêu 45.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng kỳ vọng sinh lời khoảng 36% so với thị giá hiện tại.

VIB - Tiềm năng tăng trưởng tín dụng nửa cuối 2023

Trong báo cáo mới đây, nhóm nghiên cứu của VNDirect cho rằng, hiện tình hình tổng cầu đang suy giảm chung, nên tăng trưởng tín dụng thời gian qua tương đối chậm. Lãi suất ngân hàng cũng trong xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp từ đầu tháng 7 đến nay, cho thấy thanh khoản của hệ thống dư thừa và dồi dào.

Với Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB, điều đó mang đến tín hiệu đáng mong đợi và VNDirect tin rằng, tiềm năng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2023 của VIB là rất cao, ước đạt trên 10%.

Thêm vào đó, ngân hàng đang nỗ lực cải thiện chất lượng tài sản và bộ đệm dự phòng thông qua tăng cường trích lập 860 tỷ đồng trong quý II/2023 (tăng 137% so với cùng kỳ năm ngoái) và tăng cường xử lý nợ xấu khoảng 650 tỷ đồng (tăng 1.026% so với cùng kỳ).

VNDirect dự phóng, lợi nhuận ròng 2023 của VIB sẽ đạt 9.300 tỷ đồng, cao hơn 9,3% so với kết quả thực hiện của năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIB đang giao dịch trong vùng 20.700 đồng/cp (đóng cửa phiên 19/9), tương ứng mức P/B là 1,5 lần, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 3 năm trở lại đây là 2,1 lần.

Vì vậy, VNDirect khuyến nghị giá mục tiêu 1 năm cho VIB là 25.900 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá hơn 25%. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rủi ro giảm giá cổ phiếu, chẳng hạn việc NIM (biên lãi ròng) ngân hàng có thể giảm mạnh hơn dự phóng nhằm kích thích cầu tín dụng.

ACB - Xử lý 1.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB là ngân hàng kiên định trong chiến lược kinh doanh và điều đó giúp hoạt động của ACB phát triển ổn định trong những năm gần đây. ACB cũng sở hữu chỉ số ROE ấn tượng so với mức trung bình của toàn hệ thống.

SSI Research cho biết thêm, việc xây dựng và củng cố tệp khách hàng chất lượng cao, cùng với chi phí vốn tương đối thấp là một trong số lợi thế cạnh tranh chủ đạo của ACB để duy trì quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận trung hạn.

Trong ngắn hạn, khi nền kinh tế chung còn nhiều thách thức, SSI cho rằng ACB đang tiếp tục nỗ lực để đạt tỷ lệ nợ xấu mục tiêu là 1% trong năm 2023. Do đó, SSI nâng giả định chi phí tín dụng lên 0,35% tương đương chi phí dự phòng là 1.500 tỷ đồng trong năm nay.

Sang năm 2024, SSI kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của ACB sẽ đạt 23.700 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm trước, nhờ sự phục hồi của cả tăng trưởng tín dụng (tăng 13% so với đầu năm) và NIM (tăng 3 điểm cơ bản lên 4,18%).

Chất lượng tài sản dần được cải thiện, nợ xấu giảm xuống 0,9% trong năm 2024; chi phí tín dụng nhiều khả năng sẽ tiếp tục neo cao ở mức 0,25% với kỳ vọng 1.500 tỷ đồng nợ xấu sẽ được xử lý trong năm tới.

Vì vậy, SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư có thể bổ sung cổ phiếu ACB vào danh mục đầu tư và nắm giữ trong trung hạn, với giá mục tiêu năm 2024 là 30.100 đồng/cp, tương đương khả năng sinh lời khoảng 35%.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chủ trương cơ cấu lại SCB

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chủ trương cơ cấu lại ngân hàng SCB. Chính phủ sẽ xem xét, quyết định sau khi ...

Ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big4 hạ lãi suất huy động từ hôm nay (19/9)

Sau Vietcombank, BIDV và Agribank đến lượt Vietinbank thông báo giảm lãi suất huy động, ngân hàng điều chỉnh giảm 0,2 – 0,3 điểm % ...

Chứng khoán phiên sáng 19/9: NVL tiếp đà giảm, VN-Index "rung lắc" quanh mốc 1.200 điểm

Trong phiên giao dịch sáng ngày 19/9, cổ phiếu NVL tiếp tục giảm sâu tạo ra tâm lí tiêu cực tới nhóm BĐS nói chung ...

Trúc Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán