258.000 liều vaccine 5 trong 1 đã về đến Việt Nam, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng còn tiếp diễn?

(Banker.vn) Đã có 258.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm chủng mở rộng cho trẻ về đến Việt Nam. Số vaccine này sẽ được kiểm định sau đó phân bổ cho các địa phương.
Sắp có hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 tiêm cho trẻ về Việt Nam Tiếp tục bố trí ngân sách trung ương để mua vaccine tiêm chủng mở rộng

Trong số 258.000 liều vaccine này có 72.300 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1) ủng hộ chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi phía Bắc và 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do WHO, UNICEF tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Vaccine này đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, cấp phép nhập khẩu, kiểm định đảm bảo chất lượng, an toàn. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có hướng dẫn về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng… và tổ chức tập huấn cho các địa phương. Ngay sau khi vaccine được phân bổ, vận chuyển về đến địa phương, các tỉnh cần triển khai tiêm ngay cho trẻ.

258.000 liều vaccine 5 trong 1 đã về đến Việt Nam, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng còn tiếp diễn?
Lô vaccine 5 trong 1 đã về Hà Nội ngày 27/7. Ảnh: UNICEF

Hôm nay (ngày 28/7), xe chuyên dụng sẽ vận chuyển vaccine đến 14 tỉnh thành gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với tiêm chủng dịch vụ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc để tiến hành tiêm cho trẻ từ đầu tháng 8/2023.

"Về triển khai tiêm chủng, các địa phương đã chủ động rà soát đối tượng trẻ ≥ 2 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, tổ chức tiêm bù vaccine cho trẻ trong tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã/phường, ưu tiên vaccine tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib và trẻ càng nhỏ càng cần được ưu tiên tiêm chủng”, bà Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Là một trong 14 địa phương được nhận vaccine 5 trong 1 đợt này, ông Trần Hậu Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Lai Châu bày tỏ: Lai Châu là một trong những tỉnh khó khăn, có 20 dân tộc sinh sống, trên 10.000 trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi vaccine để phòng chống dịch bệnh. Nguồn vaccine này đến đúng lúc, đúng thời điểm để các tỉnh được nhận vaccine triển khai tiêm chủng ngay cho đối tượng trẻ cần tiêm.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam - bà Rana Flowers - nhấn mạnh: Hàng năm, tiêm chủng cứu mạng sống của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Chúng ta cần khắc phục những trở ngại trong tiêm chủng, nếu không trẻ em ở khắp nơi vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh hoặc tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được.

UNICEF và WHO tự hào vì đã hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng những trẻ em trên bị bỏ lỡ tiêm chủng trên khắp Việt Nam có thể được tiêm bổ sung khẩn cấp, đồng thời hỗ trợ cải thiện và khôi phục các dịch vụ tiêm chủng trở lại mức trước khi có đại dịch.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, tiến sĩ Angela Pratt cũng bày tỏ niềm vui khi được chung tay với UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế nhằm giúp trẻ em Việt Nam bắt kịp với lịch tiêm chủng định kỳ quan trọng.

WHO sẽ tiếp tục hợp tác với UNICEF và các đối tác khác để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đảm bảo rằng mọi trẻ em ở mọi miền của đất nước đều được tiêm chủng định kỳ đầy đủ, ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai nhiều năm nay ở nước ta đã góp phần khống chế, loại trừ, ngăn không cho bệnh truyền nhiễm quay trở lại. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã sản xuất được 9 loại, còn 2 loại nhập khẩu. Tuy nhiên thời gian qua do dịch Covid-19 dẫn đến đứt gãy nguồn cung và chính sách về phân cấp ngân sách nên đã có giai đoạn chuyển đổi, do vậy có “độ trễ” trong cung ứng vaccine nhập khẩu.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương