Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức mới xuất hiện nhiều hơn, nặng nề hơn so với dự báo.
Nhìn lại năm 2023 vừa chính thức khép lại thấy chứa đựng thật nhiều cung bậc cảm xúc. Một năm mà bản lĩnh Việt Nam phải chịu vô vàn thử thách. Một năm của những “cơn gió ngược” xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Hậu quả từ đại dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine và tại dải Gaza diễn biến phức tạp…. Ở trong nước, nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh cùng đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm càng bộc lộ rõ hơn những khó khăn của nền kinh tế.
Chính trong hoàn cảnh này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đã đưa Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung không mấy sáng màu của kinh tế thế giới năm 2023.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GDP cả năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế - vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, khi thu hút vốn ngoại tăng hơn 32%, đạt gần 37 tỷ USD…. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, trong đó Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”.
Với những kết quả đạt được trong năm qua, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức. “Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là sức ép lạm phát tăng cao và sự lên giá của các đồng tiền chủ chốt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ “chặt chẽ” sang “nới lỏng, linh hoạt”. Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đã ghi nhận: “Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng đã góp phần làm nên thành tích chung của ngành Ngân hàng, qua đó đóng góp chung cho thành tựu của đất nước”.
Để có được những ghi nhận trên, năm qua, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, nổi bật là: liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… hay gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản…); quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2023, đến hết năm tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022. Có thể nói, tín dụng tăng cao vào cuối năm là nhờ kết quả của sự tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Năm 2024 cũng là năm vô cùng đặc biệt, ghi dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) (14/5/1994 - 14/5/2024). Từ khi thành lập tới nay, VNBA đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, khẳng định vai trò, vị thế của một hội nghề nghiệp, trở thành "ngôi nhà chung" của các tổ chức hội viên (TCHV). Từ 35 TCHV ban đầu, tới nay VNBA đã có 74 TCHV. VNBA đã hết sức tích cực, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV; đồng hành cùng quá trình phát triển của các TCHV, góp phần xây dựng "sân chơi chung" lành mạnh vì sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống các TCTD và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính riêng năm 2023, VNBA đã tổ chức thành công 40 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm liên quan đến hoạt động ngân hàng. VNBA cũng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ góp ý kiến đối với 13 dự thảo Luật, 4 dự thảo Nghị định, 15 dự thảo Thông tư và 9 văn bản khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, như: Luật Giao dịch điện tử (đã được ban hành); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)...; kịp thời có hơn 30 văn bản, báo cáo, kiến nghị gửi tới Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành về tình hình hoạt động và những vướng mắc, bất cập của các TCTD hội viên, nhiều ý kiến của VNBA đã được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận và tiếp thu, chỉnh sửa.
VNBA cũng tiếp tục tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần đắc lực vào công tác truyền thông chung của ngành Ngân hàng. Trong đó, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng có những thay đổi mạnh mẽ, hiện đại trong tiếp cận bạn đọc, được sự ghi nhận, đánh giá cao của đông đảo độc giả cũng như đồng nghiệp trong nghề. Trong năm 2023, Tạp chí giấy có sự điều chỉnh kỳ xuất bản và tăng gấp đôi số trang cho mỗi số bản in, Tạp chí điện tử đa dạng, phong phú hơn về hình thức thể hiện, tăng cường các sản phẩm multimedia (Video Clip, Infographics, E-magazine) và các chùm bài theo chủ đề đang được dư luận quan tâm. Tạp chí còn là đơn vị Bảo trợ truyền thông uy tín cho nhiều sự kiện về tài chính ngân hàng.
Vượt qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội XIII, dẫu không ít khó khăn, thách thức xuất hiện nhưng đó cũng là những khoảng thời gian hết sức đáng nhớ với đất nước, với mỗi người dân Việt Nam. Trong bối cảnh “không bình thường”, chúng ta đã có được những “giải pháp không bình thường” nhằm thích ứng và xử lý linh hoạt để luôn vững vàng vượt qua “những cơn gió ngược”, tiến về phía trước với nhiều kết quả khả quan, quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Bước vào năm bản lề đặc biệt của đất nước, bên thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, với niềm tin và khát vọng mãnh liệt vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 sánh vai cùng các cường quốc năm châu, chúng ta cùng siết chặt tay nhau chung sức, đồng lòng, bứt phá để tăng tốc thực thi chính sách, kế hoạch đề ra.
Bên thềm năm mới Giáp Thìn 2024, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ kính chúc quý bạn đọc một năm mới VẠN SỰ NHƯ Ý!
Trân trọng!
Ban Biên tập
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|