2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 96,06 tỷ USD

(Banker.vn) Trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 49,46 tỷ USD, lấy lại đà tăng ở mức 6,1% so với tháng trước và 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đạt 3,361 tỷ USD, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2023 Cửa khẩu Lạng Sơn: Hơn 900 xe hàng thông quan trong 1 ngày Đến ngày 15/2/2023, cả nước xuất siêu 1,68 tỷ USD

Xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm nay chỉ là 4-5%
Xuất nhập khẩu hàng hóa lấy lại đà tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,52 tỷ USD, giảm 21,1%, chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,92 tỷ USD, giảm 6,6%, chiếm 76,7%. Trong hai tháng đầu năm 2023, có 08 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 03 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023, hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 652 triệu USD, chiếm 1,3%; hàng công nghiệp chế biến ước đạt 44,38 tỷ USD, chiếm 89,8%; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 6,9%; hàng thủy sản ước đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 2%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đã dần lấy lại đà tăng trưởng sau khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do cũng đang được các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP năm 2022 đã tăng đến trên 30% so với năm 2021. Riêng mặt hàng dệt may xuất khẩu sang Canada tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ. Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ - Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu sang 4 thị trường khu vực châu Mỹ trong CPTPP (gồm Canada, Mexico, Peru, Chile) đã chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, Việt Nam mới chỉ có FTA song phương với Chile (từ năm 2014). Nhờ vào lợi thế ưu đãi thuế quan từ hiệp định CPTPP đã đem lại nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt khai thác xuất khẩu sang các thị trường mới này. Đến thời điểm đầu năm 2023, doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi từ CPTPP tương đối tốt.

Thêm một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao nữa là Hiệp thương mại thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Qua gần 2 năm có hiệu lực (Hiệp định được áp dụng tạm thời kể từ đầu năm 2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021), mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt tăng trưởng cao, ở mức 2 chữ số. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng rất tốt, cho giá trị cao như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… và đã có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 02/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,21 tỷ USD, giảm 17,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,41 tỷ USD, giảm 15,3%.

Trong hai tháng đầu năm 2023 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,3%).

Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023 vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 43,64 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,3%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,3%. Hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 2,98 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 237,2 triệu USD, tăng 4,5%.

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Một xuất siêu 0,52 tỷ USD; tháng Hai ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.

Khai mở các thị trường mới

Để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu trong thời gian tới, bên cạnh việc giữ vững các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nỗ lực tối đa để phát triển thị trường mới, mặt hàng mới như các thị trường Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ La tinh để hàng Việt Nam vươn xa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Có thể thấy thị trường mới đang là mảnh đất tiềm năng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Như tại thị trường châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt hơn 141 triệu USD, giảm 7,8% so với năm 2021. Những mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê, hóa chất, hàng thủy sản, kim loại và sản phẩm, hạt tiêu. Đáng chú ý, năm 2022, Việt Nam đã xuất được mặt hàng gạo trở lại, đạt kim ngạch hơn 218.000 USD sau khi năm 2021 không thâm nhập được thị trường này.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, với thị trường châu Á, châu Phi, để tận dụng tốt các FTA thì doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho hàng hoá xuất khẩu. Cùng với đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan và coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ - thị trường có sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân… Hoặc thị trường châu Phi với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên đến 600 tỷ USD/năm nhưng Việt Nam mới khai thác được 0,6% thị phần.

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục