2 nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm và 4 giải pháp tăng tiền cho nền kinh tế

(Banker.vn) Tại Hội nghị về điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước nêu nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm và giải pháp tăng tiền cho nền kinh tế.
Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về tín dụng tăng trưởng chậm, công khai lãi suất cho vay? Hà Nội: Tín dụng tăng trưởng dương trong 2 tháng đầu năm Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay nhiều giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024

Tín dụng tăng trưởng âm 0,72% so với cuối năm 2023

Trình bày báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 14/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).

Trong đó, mức giảm hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên vẫn có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

2 nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm và 4 giải pháp tăng tiền cho nền kinh tế
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trình bày báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, sáng 14/3

Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm, Ngân hàng Nhà nước cho rằng:

Thứ nhất, là do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD/VND,... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.

Thứ hai, là khó khăn trong việc cấp tín dụng: Tín dụng 02 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm là do các vướng mắc và nguyên nhân: Về nguyên nhân khách quan là theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán dẫn tới 02 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.

Bên cạnh đó, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp: Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng bất động sản chiếm khoảng 21% tín dụng chung nên tín dụng bất động sản tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,... chưa phát huy được nhiều hiệu quả.

Khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.

“Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế”, Phó Thống đốc nói.

Về nguyên nhân chủ quan, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn. Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

2 nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm và 4 giải pháp tăng tiền cho nền kinh tế
Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế

4 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ

Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024; hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và thực tiễn thị trường; sửa đổi đồng bộ các Thông tư quy định về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng để đồng bộ với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Hai là, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Ba là, chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, tăng cường tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, gói tín dụng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Công an, sử dụng dữ liệu của Đề án 06 để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, hạn chế "tín dụng đen".

Phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ ngành có liên quan triển khai gói 120.000 tỷ, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Tiếp tục cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã nghiên cứu, có biện pháp hỗ trợ cho mảng lĩnh vực hợp tác tiếp cận được vốn tín dụng.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các chương trình phát triển nông nghiệp như: Chương trình 1 triệu ha lúa; phát triển sản xuất chế biến công nghiệp tại Tây Nguyên; ứng dụng công nghệ cao và tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị tại các địa phương...

Phối hợp với các bộ ngành, Ủy ban Dân tộc triển khai tốt Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có những chương trình tín dụng ưu đãi. Phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh, các hiệp hội để tổ chức các chương trình của thành phố, doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như bất động sản, xăng dầu, dự án, công trình giao thông trọng điểm, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn; phối hợp với các cơ quan địa phương, các hiệp hội, tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; trong đó tập trung giám sát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan, nhóm khách hàng lớn, cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, cổ đông; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, kiến nghị với các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai các giải pháp cần thiết để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới. Đề nghị, các doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính, phối hợp với ngân hàng thành mối quan hệ cộng sinh… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương