150.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC sẽ được xuất khẩu sang Philippines

(Banker.vn) Ngày 29/8, 150.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường Philippines.
Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi Xem xét cho xuất khẩu Vaccine dịch tả lợn châu Phi sản xuất trong nước Đề xuất tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi nội tại các địa phương

Ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) - cho biết, ngày 29/8, Công ty sẽ xuất khẩu 150.000 liều trong tổng số 600.000 liều vắc xin AVAC ASF LIVE (tên thương mại vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC) mà Chính phủ Philippines đặt mua. Việc xuất khẩu sẽ theo từng giai đoạn để đủ 600.000 liều.

Trước đó, Philippines nhập khẩu vắc xin AVAC ASF LIVE từ Việt Nam và tiến hành khảo nghiệm đã qua 3 giai đoạn. Vắc xin này do Chính phủ Philippines chi tiền ra nhập khẩu và phân phối tới các trang trại chăn nuôi.

Giai đoạn 1 và 2 triển khai từ tháng 2 đến tháng 9/2023 và được tiêm 1.000 lợn tại 9 trại chăn nuôi. Kết quả cho thấy vắc xin an toàn, đáp ứng miễn dịch lên tới 100%. Giai đoạn 3 triển khai từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, đã nhập khẩu 300.000 liều vắc xin AVAC ASF LIVE, trong đó đã tiêm cho 150.000 con lợn tại 30 trang trại quy mô lớn, phần còn lại tiêm cho các trang trại quy mô nhỏ. Tất cả đàn lợn được tiêm đều an toàn và bảo hộ đến xuất bán.

Vắc xin dịch tả lợn châu phi của AVAC được đưa ra xe ô tô, vận chuyển đến sân bay để xuất ngoại vào ngày 29/8
Vắc xin dịch tả lợn châu phi của AVAC được đưa ra xe ô tô, vận chuyển đến sân bay để "xuất ngoại" vào ngày 29/8. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Trước khi nhập hàng, ngày 26/8/2024, đại diện phía Philippines, gồm: Ông Engr. Rosendo O.So - Chủ tịch SINAG – nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững và bà Pinky Pe Tobiano - Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc – đơn vị nhập khẩu vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC đã thăm kho hàng của Nhà máy AVAC tại tỉnh Hưng Yên.

Sau khi kiểm tra Nhà máy AVAC, ông Engr. Rosendo O.So đánh giá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo quản lạnh,… đều ổn. Trong số 600.000 liều AVAC ASF LIVE đã ký kết nhập khẩu từ Việt Nam, thì 300.000 liều đã được nhập khẩu và sử dụng. Trong lần này, khoảng 150.000 liều AVAC ASF Live tiếp tục được nhập khẩu, dự kiến sẽ vận chuyển sang Philippines trong thời gian từ nay đến đầu tháng 9/2024. Số lượng còn lại sẽ nhập vào đợt sau.

“Chính phủ Philippines rất chào đón việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Thông qua việc nhập khẩu vắc xin AVAC ASF LIVE, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được dịch tả lợn châu Phi bằng giải pháp vắc xin”, ông Engr. Rosendo O.So nói thêm.

Theo ông Engr. Rosendo O.So, khác với Việt Nam, việc giám sát khảo nghiệm và cấp phép nhập khẩu vắc xin thú y là thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng ở Philippines, vai trò này lại thuộc về Bộ Y tế.

Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin của Philippines; nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững của Philippines khảo sát dây chuyền sản xuất vắc xin của Công ty CP AVAC Việt Nam tại Hưng Yên (Ảnh: AVAC)
Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin của Philippines; nhóm nông nghiệp uy tín, gồm những chuyên gia và cố vấn có ảnh hưởng lớn về an ninh và phát triển lương thực bền vững của Philippines khảo sát dây chuyền sản xuất vắc xin của Công ty CP AVAC Việt Nam tại Hưng Yên. Ảnh: AVAC

Đánh giá về vắc xin dịch tả lợn châu Phi sau khi nhập khẩu để tiêm kiểm nghiệm, bà Pinky Pe Tobiano - Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodities Inc (doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin) - cho biết, vắc xin của AVAC có hiệu lực, an toàn cao. Tất cả đều đạt và phù hợp với yêu cầu của Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vắc xin an toàn, lợn được tiêm đáp ứng miễn dịch và không có bất kỳ tác dụng phụ trên đàn vật nuôi.

Để vắc xin của AVAC phủ rộng hơn tại Philippines trong thời gian tới, dưới vai trò là nhà nhập khẩu, bà Pinky Pe Tobiano cho biết, vấn nạn nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên thị trường có thể ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của vắc xin. Đó chính là lý do ngày 26/8, đoàn công tác đến Việt Nam để giám sát, đảm bảo tính hợp pháp, chống hàng lậu thông qua việc thiết kế bao bì, mã tem, mã vạch riêng... Đồng thời cũng như đưa ra các giải pháp để phân biệt giữa hàng Chính phủ mua và hàng nhập lậu.

150.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC sẽ được xuất khẩu sang Philippines
150.000 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi của AVAC chuẩn bị xuất ngoại. Ảnh: AVAC

Trong cuộc họp báo tại Philippines do Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) tổ chức vào cuối tháng 7/2024, DA và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) thuộc Bộ Y tế Philippines đã công bố cho phép lưu hành và thương mại tự do sản phẩm vắc xin AVAC ASF LIVE do Việt Nam sản xuất. Bộ Nông nghiệp Philippines cũng công bố triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào quý III/2024.

Về cơ hội xuất khẩu vắc xin dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Văn Điệp cho biết, dự kiến tháng 5/2025, Tổ chức Thú y Thế giới mới đưa ra tiêu chuẩn cho vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Các nước hiện đều chờ tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới để xây dựng tiêu chuẩn cho nước mình, nên điều này tác động rất lớn đến xuất khẩu vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Từ tháng 7/2022 đến nay, AVAC đã cung ứng hơn 2,6 triệu liều ra thị trường, trong đó, tại thị trường trong nước công ty đã cung ứng 2,3 triệu liều, số còn lại là xuất khẩu. Cụ thể, AVAC cung ứng cho Philippines khoảng 300.000 liều, Nigeria 5000 liều; đang đăng ký lưu hành sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Nepal, Myanmar, Nigieria…

Ở trong nước, AVAC đã xuất bán vắc xin cho công ty lớn như C.P là hơn 1 triệu liều. Ngoài ra, còn có một số đơn vị đang thử nghiệm như là CJ Vina Agri và Japfa Comfeed Việt Nam. Những công ty vừa và nhỏ thì mua qua đơn vị phân phối.

Vắc xin AVAC ASF LIVE được sử dụng với giám sát chặt chẽ tại 112 cơ sở/21 tỉnh số lợn tiêm/tỉnh là từ 30-1.200, tổng số lợn tiêm từ 5.656/7460. Kháng thể dương tính sau 28 ngày là 89-100% (test 541 mẫu). Tất cả các lợn tiêm vắc xin đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị nổ dịch.

Vắc xin AVAC cũng được sử dụng đại trà trên 250.000 liều (có ngân sách hỗ trợ) như sau: Cao Bằng 51.350 liều; Lạng Sơn 57.350 liều; Bắc Ninh 48.900 liều; Lai Châu 15.110 liều; Thanh Hóa 5.000 liều; Sơn La 10.580 liều; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 17.500 liều; Chi cục Trà Vinh 10.250 liều. Số liều đã đưa vào sử dụng là trên 250.000 liều.

Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, cho đến nay, vắc xin AVAC ASF LIVE giải quyết được 3 mục đích: Kiểm soát bệnh về mặt lâm sàng; giảm lây lan dịch bệnh và giúp giảm thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, vắc xin không phải là “áo giáp hoàn hảo”, mà cần thực hiện đồng bộ với thực hiện tốt an toàn sinh học, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và tập huấn đào tạo… AVAC sẽ liên tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện để cho ra sản phẩm tốt hơn nữa.

Hiện, Việt Nam là nước duy nhất nghiên cứu, phát triển thành công và thương mại hóa loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Philippines là quốc gia thứ 2 ngoài Việt Nam cho phép lưu hành vắc xin này.

AVAC mất gần 3 năm để nghiên cứu và phát triển thành công, đưa vắc xin dịch tả lợn châu Phi ra thị trường. TS. Nguyễn Văn Điệp, trưởng nhóm, cho hay khi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản, ông được giới thiệu tham gia dự án dịch tả lợn châu Phi. Về nước, ông cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu và được cấp phép từ tháng 7/2022.

Hiện, AVAC Việt Nam có thể cung cấp khoảng 2-5 triệu liều mỗi tháng. Với công suất này đủ để cung cấp cho thị trường Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Vắc xin AVAC ASF LIVE là vắc xin nhược độc đông khô được nuôi cấy trên dòng tế bào DMAC. Vắc xin này được khuyến cáo tiêm một liều duy nhất và thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng. Hiện một liều tiêm vắc xin cho lợn giá từ 61.000 - 69.000/liều. Theo ông Điệp, mức giá này là cao nên công ty lên kế hoạch sau thời gian thương mại sẽ có lộ trình giảm giá để phù hợp cho người chăn nuôi.

Tại Việt Nam, ngoài AVAC còn có Navetco và Dabaco cũng nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục