15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản và thủy sản, lãi suất giảm 1-2%/năm

(Banker.vn) Đã có 12 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng.
Khoảng 100 dự án thuộc gói vay 120.000 tỉ đồng đang được triển khai Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay, khơi thông dòng vốn tín dụng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nội dung Báo Công Thương nêu, gỡ khó cho doanh nghiệp thuỷ sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Theo đó, đối tượng vay vốn của Chương trình là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ với thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.

VASEP Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến 2025 là 12,5 tỷ USD đến 14 tỷ USD
Ngành lâm sản và thuỷ sản được cấp gói vay 15.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 1-2%/năm

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô tín dụng của Chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng, cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.

Đến nay, đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Như vậy, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, nổi bật hàng loạt kiến nghị xoay quanh việc khơi thông dòng vốn, lãi suất cho doanh nghiệp thuỷ sản.

Cuối tuần qua, trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực ưu tiên, nên các ngân hàng luôn tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp và đặc biệt không hạn chế khối lượng tín dụng cho vay nhóm này.

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo để các ngân hàng thương mại trên toàn hệ thống tiếp tục đăng ký cho vay. Tính đến thời điểm tháng 5, dư nợ tín dụng dành cho ngành thuỷ sản, lâm sản tại một số ngân hàng lớn như sau: Agribank cho biết dư nợ lĩnh vực thuỷ sản là 59.000 tỷ đồng; tại BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thuỷ sản đạt 88.000 tỷ đồng; Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương