12 ngân hàng Việt lọt Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới: Vietcombank dẫn đầu, BIDV tăng tốc ngoạn mục

(Banker.vn) Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu, trong đó Vietcombank dẫn đầu với vị trí thứ 137, BIDV có tốc độ phát triển nhanh nhất với giá trị thương hiệu tăng 69%.

Cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh trong phiên ETF cơ cấu danh mục

Eximbank sắp phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%

Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance đã công bố bảng xếp hạng Banking 500 2023 Ranking, trong đó Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu.

BIDV là ngân hàng được Brand Finance đưa vào vị trí thứ 7 trong số những ngân hàng phát triển nhanh nhất với giá trị thương hiệu tăng 69%
BIDV là ngân hàng được Brand Finance đưa vào vị trí thứ 7 trong số những ngân hàng phát triển nhanh nhất với giá trị thương hiệu tăng 69%

Trong đó, các "Big 4" ngân hàng giữ vị trí cao nhất trong số 12 ngân hàng Việt Nam có mặt trong danh sách. Cụ thể, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng này với vị trí thứ 137, tăng 25 bậc so với năm trước.

Tiếp sau là Agribank và BIDV với vị trí thứ 159 và 161. Agribank giảm hai bậc so với năm trước trong khi đó BIDV đã vươn lên mạnh khi tăng 51 bậc so với năm trước.

Techcombank cũng tăng 33 bậc lên vị trí thứ 163. Một "Big 4" ngân hàng khác lại ở vị trí cách xa ba “ông lớn” còn lại là VietinBank với vị trí thứ 171, tăng 13 bậc so với năm trước.

Các ngân hàng Việt Nam còn lại lọt vào bảng xếp hạng là VPBank (vị trí 173), MB (vị trí 230), ACB (vị trí 273), Sacombank (vị trí 354), HDBank (vị trí 400), SHB (vị trí 420) và VIB (vị trí 492).

Nguồn: Brand Finance
Nguồn: Brand Finance

Agribank là ngân hàng duy nhất ghi nhận giảm thứ hạng trong số 12 ngân hàng Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng khi giảm hai bậc từ vị trí 157 xuống 159. Bên cạnh đó VIB lần đầu lọt vào danh sách này năm nay.

Về tốc độ tăng trưởng, BIDV là ngân hàng được Brand Finance đưa vào vị trí thứ 7 trong số những ngân hàng phát triển nhanh nhất với giá trị thương hiệu tăng 69%.

Với 12 ngân hàng, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng nhà băng lọt Top500. Tiếp theo là Indonesia và Philippines cùng có 9 ngân hàng, Malaysia (8 ngân hàng), Thái Lan (6 ngân hàng) và Singapore (3 ngân hàng).

Các ngân hàng Việt Nam cũng dẫn đầu ASEAN về tổng số hạng được thăng. Cụ thể, 12 ngân hàng Việt Nam thăng được 296 hạng, tiếp theo là Indonesia thăng 79 hạng, Singapore thăng 20 hạng, trong khi Thái Lan tụt 25 hạng, Malaysia tụt 56 hạng, Philippines tụt 80 hạng.

Trong bảng xếp hạng năm nay, giá trị thương hiệu của các ngân hàng Trung Quốc có xu hướng giảm, giúp các thương hiệu đến từ Mỹ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Dù vậy ICBC vẫn là thương hiệu ngân hàng giá trị nhất trên thế giới (giảm 7% xuống còn 69,5 tỷ USD), tiếp theo là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (giá trị thương hiệu giảm 4% xuống còn 62,7 tỷ USD) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (giá trị thương hiệu giảm 7% xuống còn 57,7 tỷ USD).

Trong khi đó, một ngân hàng của Mỹ là SVB có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất thế giới (tăng 148% lên 2,8 tỷ USD). Ngân hàng này chuyên cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các công ty đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Vào năm 2021, SVB đã hoàn tất việc sáp nhập với Boston Private và đổi tên thành SVB Private. SVB tích cực đầu tư vào các dự án kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính và y tế.

Báo cáo Brand Finance Banking 2023 cũng chỉ ra một số xu hướng chính trong ngành ngân hàng thế giới. Trong đó, Brand Finance cho rằng lãi suất tăng ở nhiều thị trường giúp doanh thu thuần và lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trong ngắn hạn; đồng thời, các chỉ số nghiên cứu giá trị thương hiệu đã được cải thiện, với danh tiếng trung bình của lĩnh vực này tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, một trong những xu hướng quan trọng trong lĩnh vực này là các ngân hàng số, chẳng hạn như Revolut (giá trị thương hiệu tăng 57% lên 194 triệu đô la Mỹ), đã tạo ra tác động đáng kể trong ngành và lần đầu tiên lọt vào top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất.

“Các thương hiệu ngân hàng trên toàn cầu đã tiếp tục phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19. Đã có sự cải thiện trong các dịch vụ ngân hàng số, các biện pháp kích thích của chính phủ tương đối thành công và sự gia tăng của các nền tảng ngân hàng di động và trực tuyến đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực cho ngành. Được thúc đẩy bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn cầu, các thương hiệu ngân hàng và fintech đã đổi mới để tạo ra các dịch vụ ngân hàng dựa trên ứng dụng di động thân thiện với người dùng, dẫn đến sự gia tăng mức độ hài lòng và thu hút khách hàng.”, Declan Ahern, Giám đốc Brand Finance nhận xét.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán