117.795 thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không nhập học: Có bất thường?

(Banker.vn) Năm 2022 hơn 104 nghìn thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không làm thủ tục xác nhận nhập học; năm 2023 con số này lên tới 117.795, như vậy có bất bình thường?
Điểm trúng tuyển Đại học năm 2022: Điểm tăng cao ở những ngành nào? Năm học 2023 - 2024, trường đại học nào tại Việt Nam miễn học phí?

Đại học không phải con đường duy nhất

Đạt 24 điểm, em Nguyễn Thị Thanh Huyền (Bắc Ninh) có nhiều cơ hội để xét tuyển vào trường đại học nhưng em lại không lựa chọn theo hướng đó mà đăng ký vào ngành Kế toán, Trường Cao đẳng Thống kê (Bắc Ninh).

Thanh Huyền cho biết: Lý do lựa chọn của em vì thời gian học cao đẳng ngắn hơn. Hơn thế, trường học gần nhà, học nửa buổi nên sẽ tiết kiệm cho gia đình một khoản lớn tiền phải thuê nhà cũng như mọi chi phí sinh hoạt nếu học xa. Thời gian không phải đến lớp, em sẽ sắp xếp học bổ sung ngoại ngữ cho chuyên ngành học.

117.795 thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không nhập học: Có bất thường?
117.795 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2023 nhưng không nhập học. Ảnh minh họa

Cũng giống như Huyền, nhiều bạn trẻ hiện nay không chỉ coi đại học là con đường duy nhất để chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình. Nhiều em chọn học nghề hay trình độ cao đẳng để phù hợp với năng lực của mình, cũng như vừa học vừa làm, sớm ra trường sẽ tiết kiệm được chi phí cho gia đình…

Đây là một trong những lý do khiến tình trạng thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không nhập học gia tăng. Năm 2022 có trên 104 nghìn thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không làm thủ tục xác nhận nhập học trên hệ thống; năm 2023 con số này lên tới 117.795 thí sinh, chiếm 19,2% số thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm 2023.

Trước xu hướng tỷ lệ thí sinh nhập học sau trúng tuyển năm sau thấp hơn năm trước, nhiều câu hỏi đặt ra: Đây có phải tình trạng bất bình thường?

Giới chuyên gia giáo dục khẳng định, đây là vấn đề bình thường, nếu thấy năng lực không phù hợp học đại học mà phù hợp hơn với học nghề thì việc các em xác định và đăng ký học nghề ngay từ đầu là sự lựa chọn tốt. Đây còn là biểu hiện tích cực, giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức của ngành giáo dục và toàn xã hội.

Thống kê những năm gần đây cho thấy, có nhiều lý do khiến thí sinh đỗ đại học nhưng không nhập học, như: Thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại quyết định học bậc cao đẳng. Một số khác chọn đi du học, vì hiện nay việc đi du học không còn gặp trở ngại về dịch bệnh.

Đáng chú ý là nhóm lý do liên quan đến yếu tố tài chính. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, tỷ lệ nhập học thấp chủ yếu rơi vào vùng trung du, miền núi nơi còn nhiều khó khăn.

Không vào đại học vẫn còn nhiều "lối đi" khác

Theo quy định, từ ngày 9/9 đến tháng 12/2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường. Các cơ sở đào tạo phải báo cáo chính xác, đầy đủ kết quả tuyển sinh năm 2023 trên hệ thống trước ngày 31/12.

Như vậy còn gần 3 tháng nữa công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm học 2023 - 2024 kết thúc.

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung, với khoảng 20 nghìn chỉ tiêu. Mặc dù vậy, dự kiến vẫn còn một lượng thí sinh vì nhiều lý do mà không đỗ đại học.

Chia sẻ về vấn đề này, các thầy cô cho rằng, chuyện thi cử, xét tuyển có đỗ, có trượt là chuyện bình thường. Vì thế, việc một số em không không đỗ đại học không có gì đáng buồn. Nếu các em có ước mơ vào đời bằng con đường học tập thì năm sau có thể thi tiếp, hoặc đăng ký xét tuyển các trường cao đẳng, học nghề cũng là một lựa chọn.

Trong một thống kê về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%... Điều này cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu, cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo.

Hiện nay, một số ngành nghề phổ thông như điện, điện tử, kỹ thuật, may mặc, da giày... mặc dù số lượng đơn hàng sụt giảm nhưng các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp vẫn thiếu cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật. Nhiều doanh nghiệp còn tuyển nhiều hơn số lượng cần thiết.

Việc thiếu lao động nghề trầm trọng nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chủ động dẫn dắt, thúc đẩy quá trình đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phục hồi sản xuất, cũng như chủ động liên kết với các trường để đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp của mình.

Tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 13 địa phương phía Bắc gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Cao Bằng ngày 10/8 vừa qua, yêu cầu về trình độ giữa các nhóm lao động cần tuyển dụng dường như không có sự chênh lệch đáng kể, mặc dù lao động phổ thông vẫn là nhóm có chỉ tiêu cần tuyển dụng cao hơn cả với 13.026 vị trí, nhưng nhóm có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật cũng cần tới 11.887 vị trí. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần hơn 9.200 vị trí có trình độ cao đẳng - đại học trở lên.

Tuy nhiên, xét theo ngành nghề, tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, ở phiên này, nhu cầu tuyển dụng nhóm công nhân điện tử tăng cao, chiếm ưu thế hơn hẳn so với các ngành nghề khác, với 20.850 vị trí.

Không phủ nhận việc “có học có hơn” song một lần nữa phải nhấn mạnh đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Và ở bất cứ ngành nghề, công việc nào muốn thành công cũng cần có sự phấn đấu và nỗ lực.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương